Bản vẽ kỹ thuật là một phát minh vĩ đại giúp truyền tải ý tưởng và tiếp nhận triển khai ý tưởng trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Nhưng thế nào là bản vẽ kỹ thuật, có những loại bản vẽ kỹ thuật nào, vai trò và tiêu chuẩn của nó ra sao vẫn đang là thông tin mờ mịt với rất nhiều người. Hãy cùng GreenHN tìm hiểu về nội dung này ngay trong bài viết dưới đây.
Thế nào là bản vẽ kỹ thuật
Bản vẽ kỹ thuật đã có từ hàng ngàn năm trước. Xuất hiện từ thế kỷ 15 khi nhà phát minh và nghệ sĩ người Ý Leonardo da Vinci tạo ra các bản vẽ cơ khí. Sau đó được ứng dụng mạnh mẽ với mục đích hỗ trợ xây dựng các tòa nhà cao tầng. Bản vẽ kỹ thuật phát triển song hành với những tiến bộ khoa học và ngày càng được ứng dụng nhiều lĩnh vực khác nhau từ sản xuất, thi công, xây dựng cho đến hệ thống biển báo, lắp ráp robot…
Bản vẽ kỹ thuật là một sơ đồ chi tiết, chính xác, truyền tải thông tin về cách một đối tượng hoạt động hoặc được xây dựng. Trên bản vẽ kỹ thuật sẽ thể hiện các thông tin cơ học của sản phẩm hay đối tượng siêu chính xác. Thông qua bản vẽ kỹ thuật bạn sẽ thấy được vị trí, kích thước, kết cấu, chất liệu… từng chi tiết.
Các bản vẽ kỹ thuật có thể bao gồm các sơ đồ, mặt cắt và độ cao hai chiều hoặc có thể bao gồm các hình chiếu ba chiều hoặc hình chiếu tách rời. Chúng có thể được vẽ theo tỷ lệ bằng tay, hoặc chuẩn bị bằng phần mềm thiết kế.
Vai trò của bản vẽ kỹ thuật trong đời sống
1. Bản vẽ kỹ thuật là ngôn ngữ
Bản vẽ kỹ thuật là ngôn ngữ giúp chúng ta có thể lưu trữ và truyền tải thông tin. Nó cho phép chúng ta trình bày những ý tưởng mà chúng ta đang nói đến. Nhưng ngôn ngữ bản vẽ kỹ thuật đòi hỏi khắt khe hơn. Vì khi viết, chúng ta cần phải suy nghĩ rất kỹ và nắm chắc về đối tượng thì mới có thể thiết kế được bản vẽ kỹ thuật. Và khi đọc lại nó chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra những điểm chưa tối ưu, chưa hoàn hảo. Từ đó có phương án cải thiện hiệu quả hơn.
Bản vẽ kỹ thuật có những đặc điểm tương tự như chữ viết. Vẽ một đối tượng buộc chúng ta phải suy nghĩ về các chi tiết của những gì chúng ta đang đại diện. Sau này, khi xem lại bản vẽ, chúng ta có thể nhớ những ý tưởng mà chúng ta đã quên thể hiện hoặc những thất bại trong việc cải thiện. Điều này cho phép thiết kế trở thành một quá trình tích lũy, trong đó các chi tiết được thêm vào từng chút một cho đến khi chúng tôi đạt được thiết kế cuối cùng. Làm điều này từ trí nhớ sẽ là một việc phức tạp đến mức rất ít người có thể làm được.
Bản vẽ kỹ thuật như một ngôn ngữ viết giúp chúng ta:
- Suy nghĩ chính xác và chính xác hơn
- Ghi lại ý tưởng để ghi nhớ chúng sau này
- Truyền đạt ý tưởng của chúng tôi cho người khác
- Tinh chỉnh thiết kế bằng cách thêm các cải tiến
2. Bản vẽ kỹ thuật là cầu nối giao tiếp giữa nhà thiết kế và người triển khai
Khi đồng nhất về mặt ký hiệu, nguyên tắc thì bản vẽ sẽ là cầu nối giao tiếp giữa người lên ý tưởng sản phẩm và người chế tạo sản phẩm, giữa người kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng công trình…
Bản vẽ kỹ thuật chính là văn bản hướng dẫn và truyền tải ý tưởng sáng tạo. Thông qua đó dù người triển khai, sản xuất, thi công và người thiết kế không trực tiếp gặp nhau thì cũng dễ dàng hiểu được ý tưởng.
3. Bản vẽ kỹ thuật là hướng dẫn sử dụng trực quan nhất
Bản vẽ kỹ thuật cung cấp trực quan nhất về hình ảnh, cách thức hoạt động trong tương lai. Thông qua đó, người dùng có thể hình dung được vai trò, công dụng của từng bộ phận bên trong. Ví dụ, khi nhìn vào bản vẽ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng thì gia chủ có thể biết lối nào có thể dẫn lên tầng 2, trên đó sẽ có gì, nên sắp xếp từng phòng ra sao, tại sao các ổ cắm được bố trí như thế và vị trí của từng vật dụng trong gia đình, là sơ đồ hướng dẫn khi sửa chữa điện nước…
Có mấy loại bản vẽ kỹ thuật
Trong gia công cơ khí, bản vẽ kỹ thuật được chia làm 4 loại chính gồm:
- Bản vẽ chi tiết: Thể hiện hình dạng, kích thước và các yêu cầu kỹ thuật của từng chi tiết và thường đi kèm với bản vẽ tổng thể. Chúng là tài liệu kỹ thuật dùng trong việc chế tạo và kiểm tra chi tiết
- Bản vẽ lắp ráp (hay bản vẽ kết cấu): Diễn tả hình dạng, kết cấu của một nhóm bộ phận hoặc 1 sản phẩm và vị trí tương quan giữa các chi tiết. Đây là tài liệu dùng trong thiết kế, lắp ráp và sử dụng sản phẩm.
- Bản vẽ tháo rời: Thể hiện các hình ảnh không gian ba chiều với từng chi tiết đã tháo rời và đang đứng ở vị trí có thể lắp ráp bất kỳ lúc nào. Bản vẽ này thường dùng trong trường hợp cần giải thích, quảng cáo hoặc trình bày cho những người không có chuyên môn về kỹ thuật.
- Bản vẽ sơ đồ: Gồm một số ký hiệu đơn giản được quy ước để thể hiện các nguyên lý hoạt động như: sơ đồ mạch điện động lực, sơ đồ giải thuật của tin học, sơ đồ cơ cấu nguyên lý máy, điều khiển PLC, điều khiển động cơ.
Trong xây dựng kiến trúc thì bản vẽ kỹ thuật được chia thành:
- Bản vẽ kiến trúc: Mặt tiền và sơ đồ công năng của ngôi nhà
- Bản vẽ kết cấu: Cấu tạo từng bộ phận của ngôi nhà
- Bản vẽ sơ đồ điện nước: Vị trí đường ống, đường điện, tủ điện, tủ mạng, đầu điện chờ…
- Bản vẽ cảnh quan: Mô tả vị trí của cây cối, bể nước, chỗ để xe… bên ngoài ngôi nhà
- Bản vẽ nội thất: Thể hiện vị trí của từng thiết bị đèn điện, bàn ghế, tủ giường…
Tham khảo thêm về hồ sơ thiết kế công trình nhà ở
Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật
Bản vẽ kỹ thuật là gì
Các tiêu chuẩn và định dạng bản vẽ kỹ thuật chính là các quy ước và nguyên tắc xác định cách tạo, trình bày và diễn giải các bản vẽ kỹ thuật. Chúng bao gồm các khía cạnh như đơn vị, tỷ lệ, dạng xem, hình chiếu, mặt cắt, kích thước, dung sai, chú thích, ký hiệu và mã.
Các tiêu chuẩn và định dạng bản vẽ đảm bảo rằng các bản vẽ rõ ràng, nhất quán, chính xác và đầy đủ. Chúng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi và sử dụng lại các bản vẽ trên các nền tảng, phần mềm và ngành khác nhau. Từ đó tránh sai sót, hiểu lầm, tối ưu hiệu quả công việc. Các tiêu chuẩn và định dạng bản vẽ cũng hỗ trợ các quy trình kiểm soát, xác minh và xác nhận chất lượng để đảm bảo độ tin cậy và an toàn của các kết quả kỹ thuật.
Tại Việt Nam, bản vẽ kỹ thuật hiện tại đang áp dụng các tiêu chuẩn phổ biến sau:
1. Khổ giấy của bản vẽ kỹ thuật
- Tiêu chuẩn áp dụng:TCVN 7285 : 200
- Kích thước: A0 đến A4
2. Nét vẽ của bản vẽ kỹ thuật
- Tiêu chuẩn áp dụng: TCVN 8 -24 : 2002
- Chi tiết quy định:
+ Nét liền đậm : đường bao thấy, cạnh thấy, khung vẽ, khung tên
+ Nét liền mảnh: đường kích thước và đường gióng; đường gạch mặt cắt
+ Nét lượn sóng: đường giới hạn một phần hình cắt.
+ Nét đứt mảnh: đường bao khuất, cạnh khuất
+ Nét gạch dài – chấm – mảnh: đường tâm, đường trục đối xứng
+ Nét gạch dài – chấm – đậm: vị trí của mặt cắt.
3. Tỷ lệ thu phóng bản vẽ kỹ thuật
- Tiêu chuẩn áp dụng: TCVN 7286 : 2003
- Chi tiết quy định:
+ Tỷ lệ phóng to: 2:1; 5:1; 10:1; 20:1; 50:1,..
+ Tỷ lệ nguyên hình: 1:1
+ Tỷ lệ thu nhỏ: 1:2; 1:5; 1:10; 1:20; 1:50
4. Chữ viết trong bản vẽ kỹ thuật
- Tiêu chuẩn áp dụng: TCVN 7284-0:2003
- Chi tiết quy định: Rõ ràng, thống nhất tránh nhầm lẫn. Chiều cao chữ hoa (h) được quy định như sau: 1,8; 2,5; 3,5; 5; 7; 10; 14 và 20 mm. Chiều rộng nét chữ thường lấy bằng h/10. Bản vẽ khổ giấy A4 thường sử dụng khổ chữ 2,5 và 5 chp chữ thường hoặc 3,5 và 7 cho chữ hoa.
5. Ghi kích thước của bản vẽ kỹ thuật
- Tiêu chuẩn áp dụng: TCVN 7583-1:2006
- Chi tiết quy định: Mỗi kích thước chỉ được ghi một lần trên bản vẽ và được ghi trên hình chiếu thể hiện rõ nhất cấu tạo của phần tử được ghi; Đơn vị đo kích thước dài là milimet và không cần ghi đơn vị trên bản vẽ.
6. Phép chiếu và cách bố trí
- Tiêu chuẩn áp dụng: ISO 128
- Chi tiết quy định: Trong bản vẽ kỹ thuật, sẽ có 3 phép chiếu: hình chiếu, hình cắt và mặt cắt. Và được bố trí lần lượt: đứng (chiếu từ trước vào), bằng (chiếu từ trên xuống), cạnh (chiếu từ trái sang)
Ngoài ra, đối với khung tên bản vẽ kỹ thuật sẽ được quy định chi tiết theo từng khổ giấy và loại bản vẽ thiết kế bởi các tiêu chuẩn khác nhau như: TCVN 17 – 63 và TCVN 221 – 66… Bên cạnh đó, mỗi loại bản vẽ kỹ thuật sẽ có thêm các ký hiệu được quy định và đính kèm bản vẽ kỹ thuật đề người dùng dễ dàng hiểu được.
Để hiểu rõ hơn về ý tưởng truyền tải trong từng bản vẽ, hãy đọc ngay 👉: cách đọc bản vẽ thiết kế
Trên đây là chia sẻ về nội dung bản vẽ kỹ thuật. Hy vọng sau bài viết quý bạn đọc đã hiểu rõ về định nghĩa thế nào là bản vẽ kỹ thuật, vai trò và một số tiêu chuẩn quan trọng của bản vẽ kỹ thuật.