Khi xây nhà, không biết cách đọc bản vẽ thiết kế là rào cản vô cùng lớn giữa chủ nhà và kiến trúc sư, kỹ sư, thợ xây dựng.
Làm thế nào để đọc bản vẽ phần kiến trúc, cách đọc bản vẽ kết cấu ra sao, cách đọc bản vẽ điện nước như thế nào…. là những câu hỏi GreenHN thường xuyên nhận được trong thời gian gần đây. Để thuận tiện cho mọi người tham khảo chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết cách đọc bản vẽ thiết kế ngay trong nội dung dưới đây.
Vì sao chủ nhà cần biết cách đọc bản vẽ thiết kế
Bản vẽ thiết kế là tài liệu thể hiện ý tưởng xây dựng của gia chủ. Trong quá trình xây dựng đây sẽ là tài liệu hướng dẫn các nhà thầu triển khai giám sát công trình. Khi xây dựng xong, đây chính là tài liệu để đối chiếu nghiệm thu hợp đồng. Theo đó, việc gia chủ biết cách đọc bản vẽ thiết kế sẽ mang lại 3 lợi ích to lớn sau đây:
1. Giúp gia chủ kiểm tra và điều chỉnh bản vẽ thiết kế kịp thời.
Mặc dù, bản vẽ thiết kế luôn được các kiến trúc sư thiết kế dựa trên cơ sở là yêu cầu ban đầu của khách hàng. Nhưng đôi khi việc truyền tải và tiếp nhận có sự không ăn khớp. Vì vậy, có thể bản vẽ thiết kế sẽ có những điểm chưa đúng với ý định của gia chủ.
🌟Tham khảo⏭: Báo giá thiết kế và xây nhà trọn gói
Nếu gia chủ không thể đọc bản vẽ thì các kiến trúc sư thường sẽ hỗ trợ thuyết minh sơ bộ về bản vẽ. Tuy nhiên, cách thức này không thể giải quyết được dứt điểm vì việc truyền tải và tiếp nhận có thể vẫn không ăn khớp.
Nếu gia chủ có thể đọc bản vẽ thì có thể chủ động kiểm chứng ý tưởng của bản thân xem đã chính xác hay chưa. Từ đó đưa ra điều chỉnh kịp thời, trước khi đưa bản vẽ vào thi công xây dựng.
2. Giúp gia chủ giám sát công trình hiệu quả
Nếu gia chủ là người trực tiếp tham gia giám sát, kiểm tra chất lượng công trình thì việc đọc được bản vẽ thiết kế sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể chi phí phát sinh do thi công sai, giúp công trình kịp tiến độ. Bởi vì khi đọc được bản vẽ thiết kế thì gia chủ sẽ nắm rõ được hình dáng, họa tiết, kết cấu, điện nước… Khi có bất kỳ sự khác lạ nào thì gia chủ có thể đối chiếu để kiểm tra.
Nhưng nếu gia chủ không thể tự đọc bản vẽ thiết kế hoặc biết đọc nhưng không thông thạo thì rất khó để đối chiếu, so sánh giữa thực tế và bản vẽ. Khi đó, chi phí xây nhà có thể tăng lên đáng kể do phải phá dỡ nhiều lần, công trình theo đó cũng trì trệ, không đúng tiến độ.
3. Dễ dàng nghiệm thu hợp đồng & phát hiện những điểm xây dựng không đúng thỏa thuận
Bản vẽ thiết kế là tài liệu để truyền tải ý tưởng xây nhà của gia chủ. Đây cũng chính là căn cứ pháp lý để kiểm định nhà thầu có xây đúng theo yêu cầu của gia chủ hay không.
Nếu biết đọc bản vẽ thiết kế thì gia chủ sẽ kiểm nghiệm được công trình với độ chính xác cao. Nếu không biết cách đọc thì có thể sẽ bị một số nhà thầu qua mắt. Khi phát hiện sai lệch thì không có cơ hội thay đổi điều chỉnh lại.
Hướng dẫn cách đọc bản vẽ thiết kế xây dựng
Một bản vẽ thiết kế sẽ bao gồm nhiều phần khác nhau, từ kiến trúc, kết cấu đến kết cấu điện nước và thiết kế nội thất. Mỗi bản vẽ sẽ thể hiện những nội dung khác nhau và cách đọc của chúng cũng có sự khác biệt. Chi tiết cách đọc của từng bản vẽ bạn có thể tham khảo như sau:
1. Cách đọc bản vẽ kiến trúc
Để đọc bản vẽ kiến trúc, bạn cần hiểu một số ký hiệu sử dụng trong đó. Dưới đây là các ký hiệu được sử dụng trong các bản vẽ của GreenHN mà bạn cần nắm được:
Bảng ký hiệu trên bản vẽ thiết kế phần kiến trúc
Sau khi nắm được những ký hiệu này chắc chắn các gia chủ có thể đọc bản vẽ kiến trúc. Để hiểu rõ nhất về ý tưởng của kiến trúc sư gia chủ nên đọc theo trình tự các bước như sau:
Bước 1- Đọc bản vẽ mặt bằng tổng thể. Phần bản vẽ này sẽ thể hiện vị trí của ngôi nhà và hạ tầng xung quanh ngôi nhà. Đồng thời cũng cho thấy tỷ lệ giữa nhà và vườn (nếu có). Để hình dung ra được toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà thì gia chủ nên đọc lần lượt từ vị trí cổng sau đó xem đến phần sân vườn, hệ thống cấp thoát nước bên ngoài (nếu có)vị trí cửa chính và các phòng tầng 1.
Bước 2- Đọc bản vẽ mặt bằng chi tiết từng tầng: Phần bản vẽ này sẽ tập trung truyền tải ý tưởng về bố cục chia phòng, kích thước và gợi ý cách sắp xếp vật dụng, công năng của từng tầng.
Bước 3- Đọc bản vẽ mặt bằng tường và định vị cửa: Trong phần này sẽ thể hiện rõ nét vị trí, loại tường, chiều cao của một số đoạn tường xây đặc biệt như ban công, bệ bếp… và vị trí, kích thước, số lượng của các loại cửa. Đồng thời trong bản vẽ cũng thể hiện rõ nét diện tích của từng phòng.
Tham khảo kích thước cửa chính hợp phong thủy
Gia chủ khi đọc phần bản vẽ này nên xem xét tính toán lại xem diện tích phòng, kích thước cửa như thế đã phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình chưa. Có cần điều chỉnh thêm không.
Bước 4 – Đọc bản vẽ mặt bằng lát sàn các tầng: Dựa trên các bản vẽ này và chú thích đi kèm, gia chủ cần xác định các loại gạch, kích thước và vị trí gạch lát được sử dụng trong không gian để có kế hoạch chuẩn bị vật tư và chi phí cần thiết. Bên cạnh đó, kiến trúc sư cũng sẽ có gợi ý về việc lát nền thông qua chỉ điểm vị trí bắt đầu lát.
Bước 5 – Đọc bản vẽ mặt đứng và mặt cắt đứng của ngôi nhà. Trong phần này gia chủ nên xem mặt đứng trước vì đây là phần biểu thị kiến trúc bên ngoài ngôi nhà. Sau đó, là em đến các mặt cắt đứng để hình dung không gian bên trong ngôi nhà.
Bước 6 – Đọc bản vẽ mặt bằng trần đèn: Thông qua bản vẽ mặt bằng trần đèn, bạn cần xác định vị trí của các loại đèn được sử dụng để đưa ra những điều chỉnh thêm nếu cần thiết.
Trong bản vẽ mặt bằng trần đèn, quy ước về các loại đèn sử dụng trong công trình sẽ được chú thích ở phía bên phải của bản vẽ. Dựa trên những chú giải này, bạn hãy xác định vị trí và khoảng cách của từng loại đèn xem hợp lý hay chưa. Kí hiệu H với thông số phía dưới thể hiện cao độ từ mặt sàn hoàn thiện đến trần.
Bước 7 – Đọc chi tiết nhà vệ sinh, mái tôn và thang: Đối với những bản vẽ chi tiết này, bạn cần hiểu rõ về vị trí, kích thước của các vật dụng được sử dụng và đưa ra điều chỉnh thêm bớt hoặc thay đổi cách sắp xếp nếu có.
Có thể bạn quan tâm:
Chọn tháng tốt làm nhà năm 2024 hợp tuổi
Hướng dẫn đi đường ống khỏe, đúng cách
2. Hướng dẫn cách đọc bản vẽ thiết kế phần kết cấu
Bản vẽ thiết kế phần kết cấu là một nội dung rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của công trình. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là phần bản vẽ phức tạp nhất. Điều phức tạp nhất ở đây chính là ký hiệu trên bản vẽ vì các ký hiệu ở đây không được chuẩn hóa.
Ký hiệu trên bản vẽ thiết kế phần kết cấu thường được các kiến trúc sư ký hiệu bằng chữ cái đầu. Dưới đây là một số ký hiệu phổ biến:
- GT: Giằng tường
- DMP: Dầm móng phụ
- TĐ: Tấm đan
- C1, C2…, P1, P2…: Cột
- CC1, CC2…: Cổ cột
- DMD: Đài móng
- D2 – 1: Dầm tầng chính
- M18, D20: Bu lông M18 lỗ mở 20
- D2 – P1: Ký hiệu dầm phụ
- D2 – 8: Ký hiệu dầm ban công
- Hs: Chiều dày sàn
- LT: Lanh tô
- CTN: Cọc thí nghiệm
- BT: Bổ trụ
- PC: Đài cọc
- DM: Dầm móng
- DX, DY: Dầm tầng theo phương X, Y
- CTTT: Cấu tạo tường
- CTGC: Cấu tạo giật cấp
- TS: Ký hiệu thép thang
- DN: Dầm đáy bể nước
- DT: Dầm nắp bể nước
Ngoài các ký hiệu trên, bạn cần lưu ý đến một số nét vẽ chủ đạo. Yếu tố cần quan tâm đầu tiên là cốt chịu lực, chúng sẽ được biểu diễn dưới dạng ô vuông tô đậm tại một số điểm trên giằng tường. Đối với các bản vẽ dầm móng, các thông số đứng sau chữ L là chiều dài của thanh thép (bao gồm cả phần được uốn móc nếu có).
Trình tự đọc bản vẽ kết cấu
Để hiểu một cách đơn giản nhất, bạn có thể tiến hành đọc bản vẽ kết cấu theo trình tự 7 bước sau:
Đọc phần ghi chú chung -> Đọc bản vẽ mặt bằng kết cấu -> Đọc bản vẽ chi tiết móng cột, chi tiết dầm -> Đọc bản vẽ mặt bằng bố trí thép sàn -> Đọc bản vẽ mặt bằng lanh tô -> Đọc bản vẽ chi tiết thang/bể phốt -> Bảng thống kê thép.
Bước 1: Đọc phần ghi chú chung
Trong phần ghi chú chung này, thông tin về các quy chuẩn/tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp kỹ thuật, danh mục vật liệu và chỉ dẫn về cấu tạo các kết cấu sử dụng trong công trình sẽ được biểu diễn đầy đủ. Đây là các chi tiết được sử dụng xuyên suốt các bản vẽ kết cấu nên gia chủ cần nắm được để hiểu bản vẽ của các bước sau.
Bước 2: Đọc bản vẽ mặt bằng kết cấu
2.1. Đọc bản vẽ định vị cọc: Trong bản vẽ này, bạn cần xác định vị trí và số lượng cọc sử dụng để làm móng cho công trình.
2.2. Đọc bản vẽ chi tiết cọc: Bản vẽ này mô tả chi tiết cấu trúc của một cọc, do đó bạn cần nắm được vị trí móc cẩu và vị trí, kích thước, số lượng của các loại thanh thép được sử dụng trong từng cọc.
Trong bản vẽ này bạn cần lưu ý ký hiệu chỉ số lượng và loại thanh thép được sử dụng cho từng vị trí. Con số ghi trước ký tự Φ chính là số lượng thanh thép được sử dụng, nếu vị trí chỉ sử dụng một thanh thép thì không cần ghi. Ví dụ tại vị trí xác định số lượng và loại thanh thép dùng làm đai của cọc thân có ghi Φ6a200 chứng tỏ các đai buộc của phần cọc này sử dụng 1 thanh thép phi 6 và khoảng cách giữa các mối buộc là 200mm.
2.3. Đọc bản vẽ mặt bằng định vị cột: Tương tự như bản vẽ định vị cọc, khi đọc bản vẽ định vị cột bạn cần xác định vị trí, kích thước và số lượng các cột được sử dụng trong công trình để hiểu cách bố trí các cột trong quá trình thi công.
2.4. Đọc bản vẽ mặt bằng kết cấu móng
Đối với bản vẽ này, bạn cần xác định vị trí các cọc, các cột, khoảng cách kích thước giữa các kết cấu móng. Ngoài ra, bạn cần kết hợp xác định cao độ, kích thước, số lượng dài móng ở phần chú thích bên phải để chuẩn bị nguyên vật liệu và giám sát quá trình thi công.
2.5. Đọc bản vẽ kết cấu dầm giằng móng: Đối với bản vẽ này bạn cần xác định vị trí, kích thước, số lượng của các dầm giằng móng nhằm thuận tiện cho việc giám sát công trình.
2.6. Đọc bản vẽ kết cấu dầm giằng tường: Trong bản vẽ này bạn cần xác định tên, kích thước, vị trí, cao độ của các kết cấu dầm giằng tường để thuận tiện cho việc giám sát đơn vị thi công.
2.7. Đọc bản vẽ mặt bằng kết cấu sàn: Trong bản vẽ mặt bằng kết cấu sàn, bạn cần xác định tên, kích thước, vị trí, cao độ của các kết cấu dầm giằng tường để kịp thời bám sát tiến độ và quá trình thi công công trình.
Bước 3: Đọc bản vẽ chi tiết móng cột, chi tiết dầm
Khi đọc các bản vẽ chi tiết này, bạn cần nắm rõ kích thước, vị trí, số lượng của từng loại thép và cao độ các kết cấu
Đối với bản vẽ chi tiết móng cột- chi tiết dầm, cốt chịu lực sẽ được vẽ bằng nét liền đậm, đường bao quanh của cấu kiện sẽ được vẽ bằng nét liền mảnh chi tiết như trên hình. Ví dụ: vị trí số 8 trên hình có kí tự 2Φ18 chứng tỏ tại đây, đơn vị thi công cần sử dụng 2 thanh thép phi 18. Vị trí số 5 cần dùng 1 thanh thép phi 8a150.
Cao độ của kết cấu DM-15 đang là âm 0.65m. Điều này cho thấy kết cấu dầm móng DM-15 có phần móng thấp hơn 65cm so với mặt chuẩn quy định.
Bước 4: Đọc bản vẽ mặt bằng bố trí thép sàn
Tương tự như các bản vẽ chi tiết móng cột thép dầm, chi tiết về số lượng và loại thanh thép được sử dụng ở các vị trí sẽ được biểu diễn chi tiết trong bản vẽ mặt bằng bố trí thép sàn. Một số kết cấu nhỏ trong bản vẽ sẽ được chú thích chi tiết ở phía bên phải của bản vẽ.
Bước 5: Đọc bản vẽ mặt bằng lanh tô
Đối với bản vẽ này, bạn cần xác định vị trí, kích thước, số lượng và cấu tạo chi tiết của từng lanh tô để chuẩn bị vật liệu và giám sát quá trình thi công.
Bước 6: Đọc bản vẽ chi tiết thang/bể phốt
Đối với bản vẽ mặt bằng và chi tiết bể, bạn cần xác định vị trí xây dựng bể phốt và cấu trúc, kích thước, số lượng vật liệu thép được sử dụng của từng chi tiết có trong bể để xác định số lượng vật tư cần thiết.
Đối với bản vẽ cầu thang, bạn cần đọc bản vẽ mặt bằng từng tầng để xác định kích thước và vị trí của các cấu trúc. Sau đó, ta tiến hành đọc bản vẽ chi tiết của các cấu trúc này để xác định chi tiết cấu tạo, số lượng nguyên vật liệu của từng kết cấu nhỏ trong tổng thể kết cấu thang nhằm thuận tiện trong quá trình giám sát.
Bước 7: Đọc bảng thống kê thép.
Khi đọc bản vẽ này, bạn cần xác định hình dạng, kích thước, tổng chiều dài và tổng khối lượng cho từng loại thép được sử dụng trong các kết cấu móng, cột, cọc,… từ đó lên kế hoạch chuẩn bị vật tư đầy đủ. Tuy nhiên, khối lượng thép khi thi công cần cắt theo kích thước thực tế ngoài công trường nên có thể phát sinh chênh lệch từ 2-5 % so với các bảng tổng hợp trên bản vẽ.
3. Hướng dẫn cách đọc bản vẽ điện nước
Cách đọc bản vẽ thiết kế phần điện
Bản vẽ kết cấu điện là bản vẽ phác họa chi tiết cấu trúc và đường dẫn nối hệ thống điện thông qua các kí hiệu. Do đó, để hiểu được bản vẽ này, bạn cần nắm rõ một số ký hiệu cơ bản sau:
Đây là các ký hiệu chung của bản vẽ thiết kế điện theo tiêu chuẩn TCVN. Có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau áp dụng vào bản vẽ kết cấu điện như: AS, JIC, JIS,.. mỗi tiêu chuẩn này sẽ có kí hiệu biểu diễn các thiết bị điện khác nhau. Tuy nhiên gia chủ không nên quá lo lắng vì các kí hiệu điện thường được các kiến trúc sư chú giải chi tiết trong hồ sơ thiết kế xây dựng.
Trình tự đọc bản vẽ thiết kế phần điện
Quá trình đọc bản vẽ kết cấu điện nên được thực hiện lần lượt theo quy trình 8 bước, bao gồm:
Đọc bản vẽ mặt bằng cấp điện tổng thể -> Đọc bản vẽ mặt bằng cấp điện từng tầng -> Đọc bản vẽ mặt bằng chiếu sáng từng tầng -> Đọc bản vẽ mặt bằng đèn -> Đọc bản vẽ mặt bằng hút mùi từng tầng -> Đọc bản vẽ chi tiết lắp đặt điển hình -> Đọc bản vẽ sơ đồ nguyên lý mạng truyền hình -> Đọc bản vẽ sơ đồ nguyên lý tủ điện.
Bước 1. Đọc bản vẽ mặt bằng cấp điện tổng thể
Dựa trên bản vẽ mặt bằng cấp điện tổng thể, chủ nhà có thể xác định vị trí nguồn điện, tủ điện, cọc tiếp địa và cách đi dây trong công trình. Ví dụ trong bản vẽ trên, vị trí nguồn điện đã được xác định tại góc trái bên ngoài căn nhà. Từ vị trí của nguồn, đơn vị thi công sẽ đi dây tới vị trí của tủ điện ở chân cầu thang.
Vị trí cọc tiếp địa có các thông số D16/L=2.4M chứng tỏ cọc có đường kính 16mm và chiều cao là 2m4. Ký hiệu CU 16mm2 chỉ loại dây đồng có thiết diện 16mm2. Ở ổ cắm máy giặt có ghi FFL +1000 chỉ độ cao của ổ cắm so với mặt đất là 1000mm.
Bước 2. Đọc bản vẽ mặt bằng cấp điện từng tầng
Đối với bản vẽ mặt bằng cấp điện từng tầng, bạn cần xác định vị trí của ổ cắm và các thiết bị điện có trong công trình. Thông số phía sau FFL chỉ độ cao của ổ cắm so với mặt bằng sàn. Thông số IN 9000BTU chỉ công suất của điều hòa sử dụng tại vị trí này là 9000BTU.
Bước 3. Đọc bản vẽ mặt bằng chiếu sáng từng tầng
Trong bản vẽ này, bạn cần xác định vị trí các bị sử dụng điện và công tắc điều khiển để xem xét cách bố trí đã hợp lý hay chưa. Cao độ của công tắc sẽ được xác định trong bản vẽ chi tiết lắp đặt điển hình ở bước 6.
Bước 4. Đọc bản vẽ mặt bằng đèn
Đối với bản vẽ này, bạn cần xác định vị trí lắp đặt của các loại đèn và hệ thống trần được sử dụng trong khu vực đó. Chi tiết các ký hiệu đèn và trần sẽ được ghi chú phía dưới bản vẽ
Bước 5. Đọc bản vẽ mặt bằng hút mùi từng tầng
Trong bản vẽ này bạn cần xác định vị trí của các ống hút mùi và kích thước của các hệ thống đó. Ví dụ trong bản vẽ trên, có 2 vị trí hút mùi tại bếp nấu và bồn cầu nhà vệ sinh. Tại chi tiết hút mùi của bếp, D90-L1.0 chỉ đường kính của ống hút mùi là 90mm và chiều dài ống là 1m
Bước 6. Đọc bản vẽ chi tiết lắp đặt điển hình
Bản vẽ này sẽ chi tiết cấu trúc, kích thước của các tủ điện, công tắc, ổ cắm,.. được sử dụng trong công trình. Dựa trên các bản vẽ này, bạn cần nắm rõ cấu tạo và các thông số liên quan được mô tả trong từng chi tiết để hiểu cách lắp đặt các kết cấu điện trong nhà.
Trong chi tiết lắp đặt ổ cắm của bản vẽ trên có ký hiệu H= 400, 600, 800, 1200. Thực chất kiến trúc sư đang thiết kế hộp ổ cắm cao 400mm so với sàn nhà, tuy nhiên hộp ổ cắm này hoàn toàn có thể có độ cao 600mm, 800mm hay 1200mm tùy theo mong muốn của nhà trong quá trình thi công.
Bước 7. Đọc bản vẽ sơ đồ nguyên lý mạng truyền hình
Đối với bản vẽ này, bạn cần hiểu cách đi dây mạng trong toàn bộ công trình. Trong bản vẽ phía trên, công trình sử dụng ống luồn dây mạng UPVC đường kính 20mm để kéo cáp vào tủ mạng tầng 1. Từ tủ mạng thông qua modern, đơn vị thi công sẽ đi dây cáp CAT-6E đến vị trí cục wifi của từng tầng.
Bước 8. Đọc bản vẽ sơ đồ nguyên lý tủ điện
Trong bản vẽ này, bạn cần xác định công suất lắp đặt và công suất thực tế sử dụng của tủ điện các tầng. Kết hợp xác định vị trí và các thông số liên quan của từng aptomat cùng việc đọc chú thích phía dưới để hiểu công suất, tên phụ tải và các kích cỡ của từng loại cáp được sử dụng trong các tủ điện.
Đối với bản vẽ phía trên, các kí hiệu MCB/ RCCB chỉ loại aptomat. Thông số 2A, 40A, 30mA lần lượt chỉ số pha, dải dòng điện định mức và độ nhạy của aptomat.
Hướng dẫn cách đọc bản vẽ thiết kế phần nước
Tương tự như bản vẽ kết cấu điện, bản vẽ kết cấu nước cũng mô tả chi tiết về cấu trúc và đường dẫn nối hệ thống nước trong công trình. Để đọc bản vẽ này, bạn cần biết một số ký tự cơ bản sau:
Dựa trên những kí hiệu này, bạn cần tiến hành đọc bản vẽ kết cấu nước theo bước sau:
Đọc bản vẽ mặt bằng cấp nước tổng thể -> Đọc bản vẽ mặt bằng cấp nước từng tầng -> Đọc bản vẽ mặt bằng thoát nước tổng thể -> Đọc bản vẽ mặt bằng thoát nước từng tầng -> Đọc sơ đồ nguyên lý cấp nước -> Đọc bản vẽ sơ đồ nguyên lý thoát nước -> Đọc bản vẽ chi tiết lắp đặt thiết bị điển hình -> Đọc bản vẽ chi tiết đấu nối đường ống
Bước 1. Đọc bản vẽ mặt bằng cấp nước tổng thể
Trong bản vẽ này, bạn cần xác định vị trí nguồn, cách đi đường ống, vị trí của van vòi rửa và các thông số, kích thước của hệ thống máy bơm trong công trình. Chú giải về các loại ống sẽ được biểu diễn ở phía góc trái của bản vẽ.
Ví dụ trong bản vẽ thiết kế mặt bằng cấp nước tổng thể phía trên, gia đình đang có 2 vị trí nguồn cấp nước là nguồn nước từ giếng khoan và nguồn nước từ mạng lưới của khu vực. Thông qua máy bơm, nước sẽ được bơm từ vị trí của nguồn nước lên bể nước sinh hoạt để sử dụng.
Tại điểm cấp nước máy vào bể có các thông số: CNL-D25-L5.0M cho thấy vị trí này đang sử dụng đường ống cấp nước lạnh đường kính 25mm với chiều dài 5m. Thông số phía sau D chỉ đường kính và thông số phía sau L chỉ chiều dài của ống nước. Đối với thiết bị máy bơm, thông số phía sau Q chỉ công suất bơm của máy tương ứng với độ cao H.
Bước 2. Đọc bản vẽ mặt bằng cấp nước từng tầng
Đối với bạn cần xác định vị trí vòi, cách đi đường ống và các thông số của các hệ thống ống cấp nước có trong từng tầng. Tương tự như đối với bản vẽ mặt cấp nước tổng thể, Thống số phía sau D chỉ đường kính ống nước, thông số phía sau L chỉ chiều dài ống. Kí hiệu của các đường ống ẽ được chú giải ở phía góc trái của bản vẽ.
Bước 3. Đọc bản vẽ mặt bằng thoát nước tổng thể
Trong bản vẽ mặt bằng thoát nước tổng thể, bạn cần xác định vị trí thoát nước ra của cả công trình. Hiểu rõ ký hiệu của các hệ thống ống cấp thoát nước ở góc trái của bản vẽ, sau đó bạn hãy xác định vị trí và các thông số, kích thước của chúng trong công trình.
Có 3 thông số phía sau các vị trí ống thoát nước trong bản vẽ phía trên. Thông số phía sau để và L lần lượt chỉ đường kính và chiều dài của ống nước. Thông số % phía sau I chỉ độ nghiêng của ống để nước có thể thoát ra. Ví dụ, ở vị trí thoát hơi của bể phốt có ghi TH-D60-I2%-L1.0M chỉ đường kính của ống thoát hơi là 60mm với chiều dài 1M và độ nghiêng của ống là 2%.
Bước 4. Đọc bản vẽ mặt bằng thoát nước từng tầng và mặt bằng cấp thoát nước WC
Đối với bản vẽ mặt bằng thoát nước từng tầng, bạn cần xác định vị trí, và thông số về chiều cao, độ nghiêng, chiều dài của các đường ống có trong tầng. Bản vẽ mặt bằng cấp thoát nước WC sẽ cần bạn xác định thêm cách đi đường ống thoát nước để xem cách bố trí đã hợp lý hay chưa.
Tương tự như bản vẽ thoát nước tổng thể, các thông số phía sau D, I, L đều lần lượt chỉ đường kính, độ nghiêng và chiều dài của loại ống thoát nước. Ký hiệu các loại ống vẫn sẽ được chú thích ở góc phải bản vẽ.
Bước 5. Đọc sơ đồ nguyên lý cấp nước
Trong bản vẽ sơ đồ nguyên lý cấp nước, bạn sẽ cần xác định vị trí của các thiết bị, vị trí của hệ thống van và kích thước, cách đi đường ống cấp nước có trong công trình. Tương tự như bản vẽ phía trên, thông số phía sau D sẽ chỉ đường kính của loại ống nước được sử dụng.
Ký hiệu CNN và CNL lần lượt chỉ đường cấp nước nóng và cấp nước lạnh. Đường cấp nước nóng sẽ được biểu diễn bằng nét vẽ đứt, đường cấp nước lạnh được biểu diễn bằng nét vẽ liền mảnh chi tiết như trong hình phía trên.
Bước 6. Đọc bản vẽ sơ đồ nguyên lý thoát nước
Tương tự như đối với bản vẽ nguyên lý cấp nước, trong bản vẽ nguyên lý thoát nước bạn cần xác định vị trí của các thiết bị có trong công trình, vị trí bể tự hoại , đường kính và cách sắp xếp của các đường ống thoát nước. Ngoài ra, bạn cũng cần nắm rõ chi tiết lắp đặt ngăn mùi ga và thu nước được chú giải ở góc trái của bản vẽ để xác định cao độ, cấu trúc và nguyên vật liệu cần thiết phục vụ quá trình thi công.
Thông số K trong chi tiết cát san nền đầm chặt chỉ hệ số nén chặt. K=0.95 tức là độ chặt thực tế đạt 95%, đây là độ chặt tiêu chuẩn đã được thí nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Bước 7. Đọc bản vẽ chi tiết lắp đặt thiết bị điển hình
Trong bản vẽ này, bạn cần xác định cấu trúc của từng chi tiết, độ cao, kích thước của các thành phần nhằm thuận tiện trong quá trình kiểm tra sản phẩm và giám sát lắp đặt. Các thông số phía sau Ø và D lần lượt chỉ kích thước đường kính và tê 45 độ là phụ kiện dùng để đấu nối ống nước.
Bước 8. Đọc bản vẽ chi tiết đấu nối đường ống
Tương tự như cách đọc bản vẽ chi tiết lắp đặt thiết bị điển hình, trong bản vẽ chi tiết đấu nối đường ống bạn cần xác định cấu trúc, độ cao của các chi tiết và đường kính của các ống nước nhằm thuận tiện trong việc giám sát lắp đặt.
Trong bản vẽ này, thông số phía sau S chỉ cao độ của chi tiết so với mặt sàn. FFL chỉ mặt sàn hoàn thiện và thông số phía sau Ø và D lần lượt chỉ kích thước đường kính. TP, TH, TR lần lượt chỉ hệ thống ống thoát phân, thoát hơi, thoát rửa đã được chú thích trong phần đầu của bản vẽ.
4. Hướng dẫn cách đọc bản vẽ thiết kế nội thất
Bản vẽ thiết kế nội thất là bản vẽ mô tả chi tiết cách sắp xếp của các thiết bị nội thất trong công trình. Để đọc bản vẽ này, bạn cần nắm được các hình khối và biểu tượng cơ bản sau:
Dựa trên những kí hiệu này, bạn có thể tiến hành đọc bản vẽ thiết kế nội thất theo trình tự 5 bước, bao gồm:
Bước 1- Đọc bản vẽ định vị cửa: Trong bước này bạn cần xác định vị trí của các loại cửa được sử dụng trong từng tầng và chất liệu, số lượng, quy cách, kích thước chi tiết của từng cửa.
Bước 2- Đọc bản vẽ mặt bằng nội thất từng tầng: Đối với bản vẽ này, bạn cần xem xét kích thước, cách bố trí các vật dụng để hiểu cấu trúc sắp xếp các đồ nội thất trong nhà
Bước 3- Đọc bản vẽ mặt bằng trần đèn và chi tiết trần
Đối với bản vẽ mặt bằng trần đèn, bạn cần xem xét loại trần được áp dụng và vị trí, khoảng cách của các loại đèn có trong mặt bằng từng tầng. Chi tiết kí hiệu các loại đèn và trần sẽ được chú thích ở phía dưới bản vẽ.
Đối với bản vẽ chi tiết trần, bạn cần hiểu rõ cao độ và vị trí lắp đặt các thiết bị để thuận tiện trong việc lắp đặt.
Bước 4- Đọc bản vẽ mặt bằng lát sàn
Trong bản vẽ này, bạn cần xác định loại gạch được lát, kích thước và vị trí viên gạch định hình được lát đầu tiên để chuẩn bị đúng vật tư và giám sát quá trình thi công.
Bước 5- Đọc chi tiết bản vẽ các phòng
Trong các bản vẽ này, bạn cần xem xét chi tiết cách bố trí và kích thước của các vật dụng trong phòng khách, phòng bếp, sảnh, nhà vệ sinh,.. của từng tầng dựa trên các bản vẽ. Từ đó, xác định chính xác các vật dụng nội thất được sử dụng trong công trình.
Tất cả các bản vẽ đều có chú giải chi tiết và đường ghi kích thước đầy đủ. Trong quá trình đọc, bạn cần kết hợp việc xem cách bố trí nội thất các phòng và chú giải phía dưới với bản vẽ chi tiết của diện tường và từng đồ nội thất dựa trên các lát cắt để xác định kích thước, hình dáng của từng vật liệu trong bản vẽ các phòng.
Một số vấn đề cần lưu ý khi đọc bản vẽ thiết kế xây dựng
Trong quá trình xem xét các bản vẽ thiết kế, bạn cần lưu ý 3 vấn đề chính sau:
1. Về ký hiệu và hình ảnh trong bản vẽ
Các bản vẽ đều có rất nhiều kí hiệu khác nhau. Bên cạnh kí hiệu đã được quy ước chung, một số kiến trúc sư có thể sử dụng thêm các chi tiết để làm rõ hơn cấu trúc công trình. Vì vậy, ngoài việc tham khảo các kí hiệu được chúng tôi liệt kê phía trên, chủ nhà nên lưu ý các chú giải chi tiết trong bản vẽ thiết kế để dễ dàng đọc và hiểu bản vẽ của mình.
2. Quy ước về đơn vị của các thông số trên bản vẽ
Trong các bản vẽ thiết kế thường không biểu diễn đơn vị của kích thước bên cạnh các thông số, do đó gia chủ có thể bị nhầm lẫn trong quá trình xem xét. Quy cách ghi kích thước đã được xác định chi tiết theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5671:2012, trong đó:
- Kích thước các chiều được đo bằng mm
- Cao độ được đo bằng m
- Diện tích các phòng được xác định bằng m2, nếu đo bằng đơn vị khác cần được chú thích chi tiết.
Ngoài ra, các kích thước được ghi trên hồ sơ đều là kích thước thật bên ngoài của công trình và không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ bản vẽ.
3. Trao đổi với kiến trúc sư khi cần thiết
Đối với bản vẽ có các chi tiết và cấu trúc phức tạp, bạn nên trao đổi trực tiếp với kiến trúc sư để có cái nhìn bao quát nhất. Họ là người trực tiếp thực hiện bản vẽ thiết kế nên sẽ có những góc nhìn và kiến thức chuyên môn hỗ trợ bạn đọc bản vẽ xây dựng.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của chúng tôi về cách đọc bản vẽ thiết kế. Hy vọng thông qua bài viết này, gia chủ có thể hiểu cách đọc và các lưu ý cần quan tâm khi xem xét bản vẽ thiết kế xây dựng cho công trình.