Sở hữu ngôi nhà có hệ thống đường ống cấp nước khỏe, thoát nước nhanh là mong muốn của rất nhiều gia chủ. Tuy nhiên làm thế nào để đi đường ống nước cho mạnh vẫn là vấn đề khó giải quyết. Bài viết này GreenHN sẽ bật mí cho bạn cách để chọn kích thước và lắp đặt đường ống nước trong nhà tắm, nhà vệ sinh đơn giản, đảm bảo chất lượng.
Cách đi đường ống trong nhà vệ sinh, nhà tắm
1. Thế nào là đường ống nước mạnh
Một hệ thống đường ống nước nhà ở đầy đủ sẽ thường bao gồm 2 phần đó là: Hệ thống cấp nước và hệ thống thoát nước. Theo đó, hệ thống đường ống nước mạnh là khi:
- Gia chủ sử dụng nước ở chậu rửa, vòi hoa sen, bồn cầu, vòi tưới cây mà không phải chờ đợi lâu. Và các thiết bị gia dụng trong nhà như máy giặt, máy lọc nước, máy rửa bát… được cấp nước kịp thời từ đó có thể vận hành trơn tru.
- Trong nhà không xảy ra tình trạng sàn, mái, chậu rửa bị ứ đọng nước.
- Đảm bảo cuốn trôi rác thải sinh hoạt, không xảy ra tình trạng tắc, ứ bồn cầu
2. Quy trình đi ống nước nhanh & đúng tiêu chuẩn
2.1 Hướng dẫn cách đi đường ống cấp nước:
- Bước 1: Xác định vị trí các đường ống cần thiết và độ dài từng ống. Để có ước lượng chính xác độ dài của ống nước thì tốt nhất gia chủ nên triển khai kế hoạch đi đường ống nước sau khi đã có hồ sơ kiến trúc ngôi nhà. Ngoài ra cần lưu ý về cấu trúc ngầm và tính đến những nhân tố địa hình và môi trường xung quanh.
- Bước 2: Dự đoán lượng nước phù hợp với nhu cầu sử dụng.
- Bước 3: Lựa chọn đường ống phù hợp. Ở bước này, gia chủ sẽ chọn lựa vật liệu, kích thước và đường kính đường ống, cũng như lựa chọn các phụ kiện và công nghệ kết nối phù hợp.
Lưu ý: Vị trí đặt nước nguồn và kích thước ống sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn đường kính ống phù hợp. Để lựa chọn được kích thước chính xác sẽ cần thực hiện rất nhiều tính toán chuyên môn. Do đó, quý khách hàng nên thuê dịch vụ thiết kế. Với chi phí không quá cao nhưng chắc chắn mang lại tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tham khảo👉 bản vẽ thiết kế điện nước
- Bước 4: Lên chi tiết sơ đồ đường nước.
- Bước 5: Lắp đặt
- Bước 6: Chạ thử
2.2 Hướng dẫn cách đi đường ống thoát nước:
- Bước 1: Lên kế hoạch vị trí bể phốt và vị trí các thiết bị gồm: Thiết bị vệ sinh (phễu thu, chậu rửa, chậu giặt, chậu xí, chậu tiểu…) các đường ống nhánh thoát nước, ống đứng, ống xả nước, van, khóa, ống thông tắc, ống kiểm tra, đường ống thoát nước bên trong.
- Bước 2: Xác định vị trí và độ dài đường ống
- Bước 3: Tính toán lưu lượng nước thải cần thiết
- Bước 4: Xây dựng hệ thống nước thải riêng biệt. Nước thải sinh hoạt, nước mưa trên mái, nước thải sản xuất … đều phải có hệ thống riêng.
- Bước 5: Lên phương án phễu thu nước thải
- Bước 6: lên kế hoạch chi tiết về vị trí và kích thước đường ống
- Bước 7: Lựa chọn ống phù hợp
- Bước 8: Lên chi tiết sơ đồ nước
- Bước 9: Lắp đặt
- Bước 10: Chạy thử
Nếu như hệ thống nước không khỏe sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước, không thoát nước kịp thời, bồn cầu thường xuyên tắc ứ… Có thể thấy hệ thống nước là một phần rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống sau này. Vì vậy, nếu không đủ kiến thức chuyên sâu thì chúng tôi khuyên bạn nên thuê thiết kế hệ thống nước hoặc thuê thi công trọn gói. Tham khảo thêm: Bảng giá thiết kế và xây nhà trọn gói
3. Làm thế nào để hệ thống cấp nước mạnh
Việc cấp nước mạnh hay yếu phụ thuộc phần lớn vào 2 yếu tố, đó là: Kích thước ống cấp nước và cách lắp đặt ống.
3.1 Hướng dẫn cách chọn kích thước ống cấp nước cho mạnh
Kích thước ống nước là yếu tố quan trọng quyết định thời gian cấp nước cho các thiết bị trong nhà bếp, vệ sinh, nhà tắm… Nếu kích thước quá nhỏ thì thời gian chờ nước khi sử dụng vòi hoa sen, nước chậu rửa sẽ lâu hơn. Bên cạnh đó các thiết bị như máy lọc nước, máy giặt, máy rửa bát sẽ không vận hành lâu hơn và không đảm bảo được theo tiêu chuẩn nhà cung cấp. Trái lại nếu kích thước ống quá lớn sẽ làm tăng áp lực nước trong ống. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ bền của hệ thống nước.
Dưới đây là một số gợi ý về kích thước ống nước để có hệ thống ống nước khỏe và đảm bảo độ bền trong quá trình sử dụng:
- Đối với ống nước vào nhà: Nếu là ống gang thì đường kính ống phải lớn hơn 50mm. Còn nếu là ống thép tráng kẽm thì đường kính chỉ nằm trong khoảng từ 20 – 50mm.
- Đối với đường ống cấp nước tới các thiết bị vệ sinh như chậu rửa, vòi hoa sen, máy giặt, máy rửa bát… thì thường trong khoảng 15 – 25mm. Chi tiết theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4513:1988 quy định như sau:
TÊN THIẾT BỊ | SỐ ĐƯƠNG LƯỢNG | LƯU LƯỢNG NƯỚC L/S | ĐƯỜNG KÍNH ỐNG (MM) |
Vòi nước của chậu trút nước thải | 1 | 0,2 | Từ 10 đến 15 |
Vòi nước ở chậu rửa mặt | 0,33 | 0,07 | Từ 10 đến 15 |
Vòi nước ở chậu tiểu treo | 0,17 | 0,035 | Từ 10 đến 15 |
Một mét ống rửa máng tiểu | 0,3 | 0,06 | Từ 10 đến 15 |
Vòi xả ở chậu xí | Từ 6 đến 7 | Từ 1,2 đến 1,4 | Từ 25 đến 32 |
Vòi xả ở chậu xí | 0,5 | 0,1 | Từ 10 đến 15 |
Vòi trộn nước nóng lạnh của bồn tắm dùng nước nóng tập trung | 1,5 | 0,3 | 15 |
Vòi trộn nước nóng lạnh của bồn tắm có thiết bị đun nước bằng điện | 1 | 0,2 | 15 |
Một vòi của chậu giặt chậu rửa | 1 | 0,2 | 15 |
Chậu vệ sinh phụ nữ (biđê và vòi phun của chậu) | 0,35 | 0,07 | Từ 10 đến 15 |
Một vòi tắm hương sen trong nhóm thiết bị vệ sinh | 1 | 0,2 | 15 |
Một vòi tắm hương sen đặt trong căn hộ | 0,67 | 0,14 | 15 |
Một vòi tắm hương sen ở bể bơi | 1 | 0,2 | 15 |
Một vòi nước nóng | 0,17 | 0,035 | Từ 10 đến 15 |
Vòi nước ở chậu trút nước thải trong phòng thí nghiệm | 0,5 | 0,1 | Từ 10 đến 15 |
Vòi ở chậu rửa trong phòng | 1 | 0,2 | 15 |
Vòi tưới | Từ 1,5 đến 2,5 | Từ 0,3 đến 0,5 | Từ 20 đến 25 |
3.2 Hướng dẫn cách đi ống cấp nước cho mạnh
Để đảm bảo cho hệ thống cấp nước trong nhà thì trước tiên việc lắp đặt nguồn nước vào bể chứa phải hợp lý, đảm bảo việc cấp nước diễn ra liên tục. Bên cạnh đó, việc lắp đặt cũng cần phù hợp với tiêu chuẩn đầu vào của từng thiết bị.
Đối với lắp đặt cấp nước từ nguồn nước vào bể chứa:
- Có thể lựa chọn dùng hệ thống mạng vòng nếu muốn cấp nước liên tục hoặc mạng cụt nếu không cần cấp nước liên tục.
- Trường hợp mạng lưới đường ống cấp nước bên ngoài thường xuyên hay từng thời gian không có đủ áp lực cần thiết để đưa nước lên các tầng của công trình cần phải thiết kế trạm bơm tăng áp. Nghiêm cấm việc đặt máy bơm hút trực tiếp trên đường ống dẫn nước vào nhà mà phải hút qua bể chứa nước điều hòa. Điều này sẽ hạn chế trục trặc thiết bị tăng áp.
- Khoảng cách đặt ống dẫn nước theo mặt bằng nằm ngang của đường ống vào nhà tối thiểu là 1.5m
- Khi đường ống dẫn nước vào nhà bằng gang và áp lực của đường ống bên ngoài lớn hơn 50m thì ở những chỗ ngoặt của đường ống dẫn nước vào nhà xây gối đỡ ống
Đối với lắp đặt cấp nước từ bồn chứa tới các thiết bị:
- Luôn đảm bảo hệ thống thông hơi cho bồn chứa nước bằng cách lắp đặt hệ thống thông khí.
- Đặt bồn chứa nước ở vị trí cao. Thường bồn chứa nước được đặt ở sân thượng của căn nhà để đảm bảo việc cấp nước cho tất cả các tầng trong nhà.
- Luôn đảm bảo hệ thống cấp nước không bị hở
- Tất cả các đường ống phải được neo để tránh ống bị võng, đọng nước, giảm áp lực nước trong ống.
- Chỗ đường ống dẫn nước vào nhà xuyên qua tường tầng hầm hay tường móng nhà đều phải đặt trong lỗ chừa sẵn
- Đường ống cấp nước trong nhà chôn ngầm dưới nền nhà mà giao nhau với đường ống thoát nước thì đường ống cấp nước phải đặt cao hơn đường ống thoát nước. Khoảng cách giữa mặt ngoài của hai ống phía giáp nhau không được nhỏ hơn 0,01m.
- Nếu các đường ống cấp nước đặt chung với đường ống khác trong rãnh ngầm thì các đường ống dẫn hơi, dẫn nước nóng phải đặt cao hơn đường ống dẫn nước lạnh.
4. Làm thế nào để đi đường ống thoát nước nhanh chóng
Hệ thống thoát nước thải, thoát sàn và thoát mái có nhanh chóng hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố gôm kích thước đường ống và cách bố trí lắp đặt.
4.1 Hướng dẫn chọn kích thước để đường ống thoát nước khỏe
- Đường kính ống thoát nước thải: Đường kính của ống sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới độ lưu thông của chất thải, tốc độ xả nước. Thông thường đường kính của ống là 300mm hoặc 400mm với những khu đông người. Còn với hộ gia đình thì có thể lựa chọn đường ống từ 150 – 200mm. Nhưng đối với từng vị trí, thiết bị sẽ có sự điều chỉnh kích thước phù hợp. Ví dụ như:
+ Ống nước thoát ngang của sàn > 78 mm.
+ Bồn tắm, bồn cầu, máy giặt … > 38 mm.
+ Thoát sàn nhà tắm > 38 mm.
+ Bệt ( Bồn vệ sinh ) > 78 mm.
- Kích thước ống thông hơi: Ống thông khí chính, thẳng lên trời > 78 mm. Ống khác > 38 mm. Ngoài ra, kích thước ống thông hơi phải căn cứ dựa trên kích thước đường ống thoát nước đứng. Tham khảo tại bảng sau:
Đường kính ống đứng thoát nước | 50 | 75 | 100 | 150 |
Đường kính ống thông hơi không được nhỏ hơn | 40 | 50 | 75 | 100 |
- Kích thước phễu thu nước thải:
Phải dùng phễu thu nước thải có đường kính từ 50, 75, 100mm để thu nước thải trên sàn (lau sàn, tắm hương sen…).
Đường kính phễu thu nước thải trong phòng tắm hương sen tính như sau :
+ Đường kính 50mm hoặc 75mm cho từ 1 đến 2 vòi tắm hương sen.
+ Đường kính 100mm cho từ 3 đến 4 vòi tắm hương sen.
- Kích thước khớp nối: Chỗ ngoặt của ống đứng thoát nước có đường kính từ 50 đến 100mm tại đoạn chuyển tiếp đến miệng xả cặn lắp một cút thoát bán kính 400mm. Cho phép đặt hai cút 1350 thay cho một cút thoát
- Độ dày của ống thoát nước thải:
+ Độ dày tối đa của ống thải là 0,06D nếu đường kính đạt 200 – 300mm.
+ Đường kính là 350 – 450mm thì độ dày không quá 0,7D
+ Nếu cống có đường kính 500 – 900mm, độ dày tối đa ống cống là 0,8D
+ Ống cống có đường kính lớn hơn 900mm ống cống phải có độ dày không quá 0,9
4.2 Hướng dẫn lắp đặt đường ống thoát nước
- Độ dốc của ống: Không nên đặt quá ngang hay quá dốc, dễ khiến chất thải bị tắc nghẽn. Tiêu chuẩn độ dốc thoát nước lý tưởng tối thiểu là 2% và tối đa là 4% chiều dài của đường ống. Khi lắp đặt đúng tỉ lệ này thì đường ống sẽ vận hành trơn tru, không gây ra tình trạng tắc nghẽn.
- Khớp nối: Tuyệt đối không được nối chữ T và X
- Cho phép thông cửa toàn hệ thống từ các ống thải vệ sinh cho đến các ống thoát nước mưa. Các bẫy nước phải được thông khí.
- Cần phải kín nước và thông khí đối với các hố ga, bể nước thải, bể phốt
- Vận tốc dòng chảy: Với cống kim loại, vận tốc dòng chảy không được vượt quá 8m/s. Với ống phi kim loại tối đa 4m/s, với ống xi không quá 1m/s
- Chỗ đường ống xả nối với hệ thống đường ống thoát nước thải bên ngoài phải tạo một góc không nhỏ hơn 90 độ (tính theo chiều nước chảy). Nếu đường ống bên ngoài đặt sâu, thì phải cấu tạo giếng chuyển bậc:
- Kiểu hở: Đập tràn bê tông trong giếng, ngoặt điều tới đáy ống của hệ thống thoát nước bên ngoài ( Khi chiều cao chuyển bậc sâu 0,35m);
- Kiểu kín: Dùng ống gang thoát nước đặt theo dạng ống đứng có tiết diện không nhỏ hơn tiết diện ống thoát nước chảy đến, khi chiều cao chuyển bậc từ 0,35 đến 2m;
- Ngoài ra phải lắp đặt bẫy mùi riêng với tất cả các thiết bị vệ sinh. Các bẫy nước cần thông khí để tránh mùi hôi.
5. Câu hỏi thường gặp liên quan đến quá trình đi đường ống nước trong nhà tắm, nhà vệ sinh
5.1 Cách kiểm tra đường ống đã đảm bảo chưa
Để có thể kiểm tra được chất lượng đường ống đã đảm bảo hay chưa thì cần đến:
- Thiết bị chuyên dụng để đo lường áp lực nước trong đường ống
- Người có kiến thức chuyên môn để triển khai thực hiện
Việc đo lường và thử áp lực bên trong đường ống nước tương đối phức tạp. Vì vậy, các gia chủ thường tập trung tính toán chi tiết ở khâu chọn kích thước ống phù hợp và lên phương án lắp đặt hợp lý, đúng tiêu chuẩn. Khi làm tốt ở bước này thì chỉ cần thử lại để phát hiện sự cố hoặc lỗi phát sinh bất thường trong quá trình lắp đặt mà thôi
5.2 Cách xử lý khi đường ống nước kêu
Đường ống nước kêu to xuất hiện từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi mới lắp đặt thì có thể gioăng không đúng, hộp trục van bị hỏng, kết nối lỏng lẻo hoặc lắp đặt thiếu chuyên nghiệp. Để xử lý nhanh chóng thì cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Xác định khu vực phát ra âm thanh
- Bước 2: Kiểm tra kết nối giữa các đường ống xem đã đúng tiêu chuẩn về kích thước chiều dài, đường kính ống hay chưa, quá trình lắp đặt đã đúng chưa, có thiết bị nào bị lỗi không.
- Bước 3: Khắc phục sự cố và kiểm tra lại
5.3 Nên đi đường ống nổi hay đi đường ống ngầm
Nếu đi đường ống nổi thì sẽ dễ dàng để thi công lắp đặt. Bên cạnh đó cũng dễ dàng khắc phục, sửa chữa, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, đi đường ống nước nổi sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của ngôi nhà, đường ống nước sẽ dễ dàng bị bung vỡ, rò rỉ do tác nhân môi trường.
Nếu đi đường ống chìm thì sẽ đảm bảo mỹ quan cho ngôi nhà, tránh rò rỉ, bung vỡ do tác động vật lý và tác động của môi trường. Tuy nhiên, việc lắp đặt đường ống nước âm tường, xuyên dầm… sẽ mất công sức hơn. Đồng thời quá trình bảo dưỡng, sửa chữa cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Mặc dù mỗi cách đi ống nước sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau xong hiện nay phương pháp đi đường ống nước ngầm âm tường, âm dầm sàn vẫn được lựa chọn nhiều nhất.
5.4 Hướng dẫn cách lắp ống thông hơi cho bồn nước
Ống thông hơi cho bồn chứa nước là một giải pháp thần thánh để tăng áp lực và đảm bảo khả năng cấp nước ổn định cho toàn hệ thống nhà. Việc lắp đặt vô cùng dễ dàng.
Cách lắp đặt thông hơi cho bồn nước như sau:
- Bước 1: Lắp đường ống ra của bồn nước bằng 1 cút hình chữ T
- Bước 2: Nối một đầu với hệ thống cấp nước cho toàn hệ thống nhà. Đầu còn lại nối với một ống hướng lên trời.
Lưu ý: Ống hướng lên trời chính là ống thông hơi. Để đảm bảo không bị tràn nước thì ống thông hơi phải luôn cao hơn chiều cao bồn chứa nước khoảng 50cm. Để tránh bụi bẩn cần lắp thêm 1 cút chữ T phía trên cùng
5.5 Hướng dẫn lắp ống thông hơi cho bể phốt, bồn cầu
Ống thông hơi cho bể phốt đóng vai trò đảm bảo an toàn thông qua việc giảm áp lực khí từ bể phốt. Việc lắp đặt cũng vô cùng dễ dàng.
- Bước 1: Tạo 1 lỗ thông hơi vừa với ống phi 27 ở vị trí bể chứa
- Bước 2: Lắp ống thông hơi. Lưu ý ống cần cao hơn mái nhà khoảng tầm 3 mét và có ống chữ T phía trên để cản bụi . Độ dài âm phía dưới nên khoảng 10cm
Trên đây là chia sẻ chi tiết về quy trình và cách đi ống nước cho mạnh dành riêng cho hệ thống nhà ở, nhà vệ sinh, nhà tắm… Hy vọng với thông tin này quý bạn đọc sẽ dễ dàng thi công xây dựng nhà ở. Nếu cần tư vấn và hỗ trợ hãy liên hệ với chuyên viên của chúng tôi theo số 0922.99.11.33 – 0922.77.11.33