Sàn là bộ phận vô cùng quan trọng đối với bất kỳ công trình nào, bởi nó trực tiếp chịu tải trọng của bản thân và của công trình truyền sang dầm, sau đó truyền xuống cột và xuống móng. Ngoại trừ nhà cấp 4 đơn giản có thể bố trí sắt sàn 1 lớp thì hiện nay hầu hết các công trình đều được tính toán sử dụng sắt sàn 2 lớp để đảm bảo khả năng chịu lực cũng như tính bền vững. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cách đặt sắt sàn 2 lớp chuẩn để đảm bảo sức chịu tải tối đa.
Cùng GreenHN tìm hiểu cách đặt sắt sàn 2 lớp chuẩn kỹ thuật trong bài viết dưới đây nhé!
Cách đặt sắt sàn 2 lớp chuẩn như thế nào?
Thế nào là sắt sàn 2 lớp?
Thông thường các chủ đầu tư dựa vào nền móng và tải trọng công trình để lựa chọn phương án bố trí sắt sàn. Loại sàn được nhắc đến trong bài viết này là sàn bê tông cốt thép – đang được ứng dụng và sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Khác với loại sàn 1 lớp thì sàn 2 lớp có 2 lớp sắt trên và dưới chắc chắn, được bảo vệ bởi lớp bê tông bên ngoài.
Sàn bê tông cốt thép với 2 lớp sắt sàn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với sàn bê tông thường và so với sàn 1 lớp. Nó có độ chịu nén, chịu kéo và độ bền cao, đảm bảo sàn có thể chống lại các hư hỏng như nứt, uốn và sự tàn phá của thời gian.
Vai trò của sắt sàn 2 lớp
Như đã phân tích ở trên, sắt sàn 2 lớp có vai trò lớn và ảnh hưởng đến tính ổn định cũng như tính bền vững chung của cả công trình. Ở đây chúng ta luôn phải tính đến sự làm việc đồng thời của cả bê tông và cốt thép.
Bê tông thông thường có tính chịu nén tốt, còn cốt thép – sắt có tính chịu kéo tốt. Chúng bổ sung cho nhau nên khi có 2 lớp sắt sàn nằm trong bê tông thì chúng sẽ giúp cho sàn tránh được các hiện tượng như nứt, gãy, sập.
Với sự làm việc đồng thời này, bất kỳ ứng suất nào đặt lên sàn đều được truyền đến 2 lớp sắt phía trong, giúp sàn có thể chịu được trọng lượng lớn hơn nhiều so với sàn bê tông thông thường hoặc sàn 1 lớp.
Sắt và bê tông phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ theo những cách tương tự nhau, do đó làm giảm ứng suất bên trong, tạo sự linh hoạt trước những thay đổi của điều kiện thời tiết. Kết cấu sắt sàn 2 lớp còn có thể chịu được nhiệt độ cao và chống cháy rất tốt. Khả năng chống thấm cũng tối ưu hơn.
Ngoài ra, kết cấu sắt sàn 2 lớp còn có khả năng tạo hình kiến trúc, do đó rất phù hợp với những công trình có nhiều ý tưởng sáng tạo mới lạ độc đáo.
Có thể thấy khi bê tông và sắt làm việc cùng nhau thì chúng có thể bổ sung những điểm yếu của nhau, đặc biệt là sắt sàn 2 lớp có khả năng cải thiện đáng kể độ cứng của kết cấu và khả năng chịu tải của sàn.
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo được vai trò như trên thì cần phải nghiên cứu, tìm hiểu cách đặt sắt sàn 2 lớp đúng kỹ thuật; từ đó mới có thể tối ưu được hết tác dụng của nó.
Cấu tạo sắt sàn 2 lớp
Cũng giống như tên gọi của nó, sắt sàn 2 lớp gồm lớp trên và lớp dưới được bố trí đúng tiêu chuẩn và hợp lý nhất cho công trình.
Đối với lớp sắt trên
- Sắt mũ chịu momen âm, cắt tại 1/4L (cạnh ngắn)
- Sắt được đặt ở dưới mũ sắt, có cấu tạo dạng vuông góc
Tuy nhiên cách bố trí sắt mũ này thường chỉ được bố trí ở những công trình nhỏ, tiết kiệm chi phí. Trong cách đặt sắt sàn 2 lớp hiện nay, người ra thường bố trí các thanh sắt thép ra toàn bộ diện tích ô sàn để thuận tiện cho công tác thi công cũng như tối ưu được khả năng chịu lực nhất.
Do trong quá trình thi công có nhiều sự di chuyển đi lại, giẫm đạp lên bề mặt sàn nên công tác thi công sắt mũ thường khó khăn hơn, nếu không cẩn thận có thể làm hòng đi chức năng của lớp sắt trên.
Đối với lớp sắt dưới
- Sắt chịu lực sẽ là thép được bố trí dọc theo phương ngắn
- Sắt cấu tạo sẽ được bố trí vuông góc với các thanh sắt chịu lực theo phương dài
Cách đặt sắt sàn 2 lớp chuẩn kỹ thuật
Quy trình cần thực hiện trong cách đặt sắt sàn 2 lớp
Bước 1: Chuẩn bị bản vẽ sắt sàn 2 lớp
Để đảm bảo tính an toàn và tính bền vững cho công trình, cần có một bản vẽ sàn chuẩn từ đơn vị thiết kế hoặc được tư vấn bởi các kỹ sư có trình độ chuyên môn.
Thông thường, bản vẽ bố trí thép sàn sẽ hiển thị diện tích sàn, độ dày sàn, số lớp sắt, khoảng cách đan sắt, mật độ sắt trên 1m2…phù hợp với từng công trình cụ thể. Cách đặt sắt sàn 2 lớp cũng đã được thể hiện phần nào trong bản vẽ này.
Bản vẽ sắt sàn 2 lớp
Tương tự như bản vẽ thiết kế nhà ở, bản vẽ sắt sàn 2 lớp có thể được coi như một tài liệu mẫu để thợ thầu thi công, là căn cứ để tư vấn giám sát nghiệm thu cũng như giúp chủ nhà nắm được tiến độ và theo dõi xem sàn có được thi công đúng thiết kế hay không.
Bước 2: Chọn nguyên vật liệu thi công
Chất lượng sắt thép được lựa chọn để thi công tác động đến tính bền của toàn bộ công trình. Do vậy, cần chọn loại sắt thép chất lượng tốt từ nhà cung cấp uy tín, đã được kiểm định chất lượng an toàn cho mọi công trình.
Bước 3: Chọn phương án bố trí kết cấu phù hợp
Dựa vào sự phân tích cũng như tư vấn từ đơn vị có chuyên môn để lựa chọn phương án phù hợp, có thể là sắt sàn 1 phương hoặc 2 phương.
Đối với bố trí sắt sàn 1 phương thì sàn sẽ chịu uốn trong 1 phương cụ thể hoặc trong trường hợp đặc biệt thì có thể uốn theo 2 phương nhưng độ uốn của 1 phương rất nhỏ so với phương còn lại. Theo cách này có thể kê tường hoặc đổ tường liền khối cùng với dầm.
Đối với bố trí sắt sàn 2 phương, sàn sẽ được uốn theo 2 phương với độ chịu uốn lớn gần như nhau.
Bước 4: Thực hiện thi công đặt sắt sàn 2 lớp
- Đầu tiên, thực hiện đặt sắt lớp dưới. Bố trí sắt theo phương ngắn trước (sắt chịu lực chính), sau đó đặt sắt cấu tạo theo phương vuông góc. Chiều dài neo được tính từ mép dầm và móc xuống các thanh sắt. Chú ý nên đánh dấu các thanh sắt chủ bằng bút mực, bút xóa trên dầm để dễ dàng xác định vị trí và thuận tiện thi công hơn.
- Sau đó bô sắt gối (thép chịu momen âm), chiều dài neo của sắt gối phải đạt chuẩn theo kích thước được quy định.
- Tiếp tục thi công sắt cấu tạo để giữ khung sau khi bô thép gối xong (thường sử dụng thép phi 8 a200 hoặc a300).
- Thực hiện kê sắt bằng các con kê bê tông để tạo lớp bê tông bảo vệ tiêu chuẩn cho lớp sắt sàn. Các con kê bê tông có nhiều kích thước phù hợp với nhiều chiều dày bảo vệ khác nhau, các gia chủ có thể linh hoạt sử dụng.
- Các bị trí 2 thép gối chồng lên nhau vẫn phải đi đủ, không được bỏ. Ở giai đoạn này, các thanh sắt phương ngắn sẽ nằm ở trên.
Dùng con kê bê tông cho cả 2 lớp sắt sàn
Bước 5: Kiểm tra & Nghiệm thu
Sau khi đặt sắt xong thì cần rà soát và kiểm tra lại thật kỹ, đối chiếu với bản thiết kế nếu có bất kỳ vấn đề gì chưa đảm bảo thì cần tiến hành ngay các biện pháp khắc phục để sàn được tối ưu nhất cho các bước tiếp theo.
Trên đây, GreenHN đã hướng dẫn bạn đọc cách đặt sắt sàn 2 lớp chuẩn kỹ thuật. Khi thi công cần luôn tuân thủ theo thiết kế và có sự giám sát của các kỹ sư có chuyên môn, đảm bảo làm đúng từng bước nhỏ thì mới cho kết cấu sàn hoàn thiện, tránh những lỗi lầm xảy ra sau này sẽ gây rất nhiều khó khăn và tốn kém cho công tác sửa chữa.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết.