Kinh doanh dịch vụ lưu trú đang trở thành xu hướng hấp dẫn trên thị trường bất động sản. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đây là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư chú ý. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm dịch vụ lưu trú là gì, các loại hình dịch vụ lưu trú, quy định pháp lý và các tiêu chí để xây dựng một cơ sở lưu trú kinh doanh hiệu quả. Cùng theo dõi nhé!
Khái niệm dịch vụ lưu trú là gì?
Dịch vụ lưu trú là hoạt động cung cấp chỗ nghỉ ngơi, lưu trú tạm thời cho khách du lịch, người đi công tác hoặc các cá nhân có nhu cầu qua đêm tại một địa điểm nhất định. Hình thức này có thể bao gồm các loại hình như khách sạn, nhà nghỉ, homestay, căn hộ cho thuê, villa và nhiều loại hình khác.
Dịch vụ lưu trú tiếng Anh được gọi là "Accommodation Service". Thuật ngữ này thường được sử dụng phổ biến trong các tài liệu, hợp đồng kinh doanh quốc tế và các giao dịch liên quan đến ngành du lịch.

Dịch vụ lưu trú gồm những gì? Dịch vụ lưu trú không chỉ đơn thuần là việc cung cấp nơi nghỉ ngơi. Nó còn bao gồm nhiều tiện ích, dịch vụ bổ sung như:
- Dịch vụ ăn uống: Nhiều cơ sở lưu trú còn cung cấp bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối cho khách.
- Tiện nghi giải trí: Như hồ bơi, phòng gym, spa, hoặc các hoạt động thể thao.
- Dịch vụ hỗ trợ khách hàng: Bao gồm lễ tân 24/7, dịch vụ dọn phòng, giặt là, tư vấn du lịch,...
Mã ngành dịch vụ lưu trú là bao nhiêu?
Tìm hiểu về ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú, bạn cần nắm rõ mã ngành dịch vụ lưu trú là bao nhiêu? Căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg quy định về mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú, mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú cấp 4 là 5510, 5590, cụ thể như sau:
Mã ngành dịch vụ lưu trú ngắn ngày: 5510
Nhóm này gồm:
- Khách sạn: 55101
- Biệt thự hoặc căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày: 55102
- Nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày: 55103
- Nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú ngắn ngày tương tự: 55104

Các cơ sở lưu trú khác: 5590
Nhóm này gồm:
- Ký túc xá học sinh, sinh viên: 55901
- Chỗ nghỉ trọ trên xe lưu động, lều quán, trại dùng để nghỉ tạm: 55902
- Cơ sở lưu trú khác chưa được phân vào đâu: 55909
Mã ngành dịch vụ lưu trú dài ngày: 6810
Cho thuê nhà, căn hộ, phòng ở có hoặc không trang bị đồ đạc nhằm mục đích ở lâu dài, thường là hàng tháng hoặc hàng năm được phân vào ngành 6810 (Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê).
Các loại hình dịch vụ lưu trú phổ biến hiện nay
Hiện nay, có nhiều loại hình dịch vụ lưu trú đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Mỗi loại hình dịch vụ lưu trú có những ưu điểm, nhược điểm riêng và phù hợp với từng mô hình đầu tư khác nhau. Dưới đây là các dịch vụ lưu trú phổ biến nhất:
Hotel (khách sạn)
Khách sạn là mô hình phổ biến nhất, cung cấp phòng lưu trú cùng các dịch vụ tiện ích như nhà hàng, phòng gym, spa, hồ bơi và nhiều dịch vụ giải trí khác. Khách sạn thường được xếp hạng theo sao từ 1 sao đến 5 sao.
Dịch vụ lưu trú trong khách sạn là mô hình lưu trú truyền thống, có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng (bình dân đến cao cấp). Để thu hút khách thuê và tăng tính cạnh tranh, khách sạn cần phải tạo sự khác biệt (dịch vụ, tiện ích, giá cả, thương hiệu).
Xây khách sạn là lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư có vốn lớn và có khả năng chấp nhận thời gian thu hồi vốn dài (5 - 10 năm). Tuy nhiên, mô hình này yêu cầu chi phí đầu tư cao và cần quản lý chuyên nghiệp.

Hostel (nhà nghỉ)
Hostel là loại hình lưu trú giá rẻ, phù hợp với khách du lịch "phượt" hoặc những người muốn tiết kiệm chi phí. Phòng hostel thường là phòng tập thể với giường tầng. Nhà nghỉ thường có ít tiện nghi hơn khách sạn.
Xây nhà nghỉ kinh doanh phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn tối ưu hóa diện tích nhỏ như nhà phố, nhà trong hẻm, đặc biệt là những người có sẵn nhà đất muốn khai thác thêm nguồn thu nhập.

Homestay
Homestay là mô hình lưu trú cho phép khách hàng sống chung hoặc thuê nguyên căn nhà của người dân địa phương. Đây là mô hình hấp dẫn du khách muốn trải nghiệm văn hóa bản địa.
Dịch vụ lưu trú homestay rất được ưa chuộng tại các thành phố du lịch nổi tiếng có lượng khách "phượt" lớn như Đà Lạt, Hội An, Hà Giang,.... Tuy nhiên, do sự cạnh tranh lớn và xu hướng ngắn hạn của khách du lịch, dịch vụ lưu trú homestay đòi hỏi sự sáng tạo, thiết kế độc đáo để thu hút khách.

Căn hộ cho thuê (Apartment for rent)
Mô hình này cung cấp căn hộ đầy đủ tiện nghi như bếp, phòng ngủ, phòng khách. Khách hàng có thể thuê ngắn hạn hoặc dài hạn tùy nhu cầu. Không cần phục vụ hằng ngày như khách sạn, nhà nghỉ mà chỉ cần quản lý và bảo trì định kỳ.
Xây tòa căn hộ cho thuê như chung cư mini, nhà trọ phù hợp với nhà đầu tư trung và dài hạn, muốn sở hữu tài sản lâu dài và tạo nguồn thu thụ động. Đây cũng là loại hình bất động sản cho thuê rất được ưa chuộng tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM,...) mang lại lợi nhuận đều đặn và ổn định.

Serviced Apartment (Căn hộ dịch vụ)
Căn hộ dịch vụ giống căn hộ cho thuê nhưng có thêm các dịch vụ đi kèm như dọn phòng, giặt là, bảo vệ, lễ tân. Đây là lựa chọn lý tưởng cho chuyên gia, doanh nhân làm việc lâu dài ở thành phố lớn.
Mô hình căn hộ dịch vụ phù hợp với các nhà đầu tư muốn khai thác thị trường khách thuê trung và dài hạn. Lợi nhuận ổn định, ít rủi ro, đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh Việt Nam thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Nhà trọ
Nhà trọ là mô hình lưu trú ngắn hạn hoặc dài hạn dành cho các đối tượng có nhu cầu thuê chỗ ở với giá rẻ. Nhà trọ thường được xây thành các phòng khép kín hoặc dãy nhà tập thể, phục vụ cho sinh viên, công nhân, người lao động hoặc người có thu nhập trung bình, thấp.
Loại hình này phổ biến tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các khu vực tập trung đông người lao động xa quê. Khác với mô hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ có chi phí thuê rẻ hơn và phù hợp với nhu cầu sinh hoạt thường ngày của người thuê.

Mô hình kinh doanh nhà trọ phù hợp với những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc các cá nhân, hộ gia đình có sẵn đất ở gần khu công nghiệp, trường học. Với khả năng mang lại thu nhập ổn định, thời gian thu hồi vốn ngắn, đây là mô hình an toàn và dễ triển khai.
Tuy nhiên, để thành công, nhà đầu tư cần có kế hoạch xây dựng hợp lý, quản lý người thuê chặt chẽ và bảo trì cơ sở vật chất thường xuyên. Nếu bạn đang tìm kiếm một mô hình đầu tư ít rủi ro, nhà trọ chắc chắn là lựa chọn đáng cân nhắc.
Villa, biệt thự nghỉ dưỡng
Villa là biệt thự sang trọng cho thuê, thường đi kèm với không gian sân vườn, hồ bơi riêng. Mô hình này thường xuất hiện phổ biến tại các khu vực du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,... Mức giá cho thuê villa rất cao, đặc biệt là vào các dịp lễ tết, kỳ nghỉ hè. Vì thế loại dịch vụ lưu trú này thường dành cho nhóm khách gia đình hoặc đoàn khách du lịch cao cấp.
Kinh doanh dịch vụ lưu trú dạng villa chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Họ muốn sở hữu tài sản cao cấp để kinh doanh hoặc nghỉ dưỡng cá nhân.

Mỗi loại hình dịch vụ lưu trú đều có ưu điểm, thách thức và yêu cầu riêng. Lựa chọn loại hình phù hợp với nguồn vốn, khả năng quản lý và xu hướng thị trường là yếu tố then chốt để nhà đầu tư thành công trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú.
👉Nếu bạn cần tư vấn cụ thể về từng loại hình, hãy để lại câu hỏi, chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là gì và tiềm năng sinh lời
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là hoạt động đầu tư, vận hành các cơ sở cung cấp chỗ ở ngắn hạn hoặc dài hạn cho khách hàng, kèm theo các dịch vụ tiện ích bổ sung như ăn uống, giặt là, giải trí,.... Các loại hình dịch vụ lưu trú rất đa dạng, từ khách sạn, nhà nghỉ, homestay, resort, đến căn hộ dịch vụ hoặc nhà trọ. Mô hình kinh doanh này có thể phục vụ các nhu cầu khác nhau, từ tiết kiệm chi phí đến trải nghiệm xa xỉ.
Vì sao nói kinh doanh dịch vụ lưu trú là lĩnh vực có tiềm năng sinh lời cao? Chính là vì:
- Nhu cầu thị trường cao: Quá trình đô thị hóa nhanh chóng kéo theo nhu cầu về chỗ ở không ngừng tăng cao.
- Lợi nhuận hấp dẫn: Tỷ suất lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ lưu trú có thể đạt từ 10-20% tùy mô hình.
- Tính ổn định cao: Dù tình hình kinh tế có biến động, nhu cầu lưu trú luôn hiện hữu.
- Khả năng tận dụng bất động sản: Với những người sở hữu nhà riêng, việc chuyển đổi thành homestay hoặc căn hộ dịch vụ có thể giúp tối ưu hóa tài sản và nhanh chóng hoàn vốn.
- Xu hướng làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến, làm tăng nhu cầu thuê các homestay hoặc căn hộ dịch vụ.
>> Xem thêm: Dự toán chi phí xây nhà nghỉ 10 phòng chi tiết
Điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú
Ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú đòi hỏi tuân thủ nhiều quy định pháp lý và đảm bảo các điều kiện cơ bản, giúp đảm bảo hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú an toàn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
- Các giấy tờ pháp lý cần có:
- Giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
- Phương án đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định về an ninh trật tự; phòng cháy chữa cháy; an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường.
- Cơ sở lưu trú phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng kiến trúc, trang thiết bị và cơ sở vật chất theo loại hình kinh doanh:
Đối với khách sạn:
- Hệ thống điện, nước sạch, thoát nước hoạt động tốt.
- Tối thiểu 10 phòng ngủ.
- Có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung, nơi để xe cho khách (nếu là khách sạn nghỉ dưỡng hoặc khách sạn bên đường).
- Cung cấp dịch vụ ăn uống (áp dụng cho khách sạn nghỉ dưỡng, bên đường).
- Trang bị giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm đầy đủ.
- Nhân viên trực 24/24.
- Quản lý và nhân viên được đào tạo nghiệp vụ du lịch.
Đối với biệt thự du lịch:
- Hệ thống điện, nước sạch, thoát nước đầy đủ.
- Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp, phòng tắm và vệ sinh.
- Trang bị giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm.
- Nhân viên trực 24/24.
Đối với căn hộ dịch vụ
- Hệ thống điện, nước sạch, thoát nước đầy đủ.
- Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp, phòng tắm và vệ sinh.
- Trang bị giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm.
- Nhân viên trực 24/24.
- Quản lý được đào tạo nghiệp vụ du lịch.
Đối với nhà nghỉ
- Hệ thống điện, nước sạch, thoát nước đảm bảo.
- Có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ, phòng tắm, và vệ sinh chung (nếu không có vệ sinh riêng).
- Trang bị giường, đệm, chăn gối, khăn mặt, khăn tắm.
- Nhân viên trực 24/24.
- Quản lý và nhân viên được đào tạo nghiệp vụ du lịch.
>> Tham khảo: Xây nhà trọ cho thuê từ A-Z tiết kiệm nhất
Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú
Như đã trình bày ở trên, để kinh doanh dịch vụ lưu trú thì chủ đầu tư cần tiến hành 3 thủ tục bắt buộc như sau:
Xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú
Kinh doanh dịch vụ lưu trú có cần xin giấy phép không? Câu trả lời là "Có". Để kinh doanh dịch vụ lưu trú hợp pháp và thuận lợi, bạn cần đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể, tùy thuộc vào quy mô và khả năng tài chính.
Thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú như sau:
Thành lập công ty/doanh nghiệp | Thành lập hộ kinh doanh cá thể | |
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ | Soạn thảo bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty theo mẫu quy định. | Soạn thảo bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể theo mẫu quy định. |
Bước 2: Nộp hồ sơ | Nộp tại Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) nơi đặt cơ sở lưu trú bằng 1 trong 3 cáhc - Nộp trực tiếp tại Sở KH&ĐT. - Gửi hồ sơ qua bưu điện. - Nộp online qua Cổng dịch vụ công quốc gia. | Nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt cơ sở lưu trú bằng 1 trong 2 cách: - Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký. - Nộp qua mạng qua trang Dịch vụ công. |
Bước 3: Nhận kết quả | Sau 3 - 5 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và con dấu công ty (nếu hồ sơ hợp lệ). | Sau 3 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu hồ sơ hợp lệ). |
Lưu ý: Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, bạn sẽ nhận được văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi từ cơ quan có thẩm quyền.
Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC)
Sau khi có giấy phép kinh doanh, bạn cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC qua 3 bước:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC gồm các loại giấy tờ sau:
- Phương án chữa cháy khẩn cấp.
- Bảng thống kê phương tiện PCCC.
- Bản sao Giấy chứng nhận ĐKKD.
- Danh sách nhân viên đã huấn luyện về PCCC.
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận PCCC.
- Giấy chứng nhận thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC (bản sao).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại 1 trong 3 nơi:
- Cục/Phòng Cảnh sát PCCC.
- Qua Cổng dịch vụ công (nếu có).
- Gửi qua đường bưu điện.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong 5 - 15 ngày làm việc, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận hoặc thông báo bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.

Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự
Đây là bước cuối cùng để cơ sở lưu trú của bạn hoạt động đúng quy định pháp luật. Quy trình như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận về an ninh, trật tự khi kinh doanh dịch vụ lưu trú bao gồm:
- Bản sao Giấy chứng nhận ĐKKD.
- Tài liệu chứng minh đủ điều kiện PCCC.
- Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận an ninh, trật tự.
- Lý lịch người chịu trách nhiệm an ninh, trật tự của cơ sở lưu trú.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại cơ quan công an cấp huyện nơi đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng 1 trong 3 cách:
- Nộp trực tiếp tại cơ quan công an.
- Nộp qua dịch vụ bưu chính.
- Nộp trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận. Nếu không, cơ quan công an sẽ gửi văn bản giải thích lý do từ chối.
Thuế và hóa đơn dịch vụ lưu trú
Dịch vụ lưu trú thuế suất bao nhiêu?
Theo quy định hiện hành của Luật Thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) tại Việt Nam, dịch vụ lưu trú thuộc nhóm dịch vụ chịu thuế GTGT với thuế suất 10%. Đây là mức thuế suất phổ biến áp dụng cho các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, homestay, resort và căn hộ dịch vụ.
Mức thuế suất này được áp dụng đồng nhất cho cả các cơ sở lưu trú kinh doanh trực tiếp và qua các nền tảng trực tuyến. Doanh nghiệp cần tuân thủ quy trình kê khai và nộp thuế đầy đủ để đảm bảo đúng pháp luật và tránh các rủi ro pháp lý.
Dịch vụ lưu trú có được giảm thuế không?
Câu trả lời là "Có", dịch vụ lưu trú là một trong các dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP. Ngoài ra, dịch vụ lưu trú cũng có thể được giảm thuế tùy thuộc vào các chính sách hỗ trợ đặc biệt của chính phủ trong các giai đoạn khó khăn (như thiên tai, dịch bệnh), chính phủ có thể ban hành các chính sách giảm thuế bổ sung.
Cách viết hóa đơn dịch vụ lưu trú
Hóa đơn khách sạn, nhà nghỉ cần bao gồm các thông tin sau:
- Tên hóa đơn
- Địa chỉ: Địa chỉ của người mua và người bán
- Ký hiệu hóa đơn và mẫu số hóa đơn
- Tên liên hóa đơn
- Thông tin người bán và người mua: Họ tên, địa chỉ, mã số thuế doanh nghiệp
- Ngày xuất hóa đơn
- Danh mục hàng hóa, dịch vụ: Phòng ở, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí...
- Đơn giá và số lượng
- Tổng tiền: Bằng số và bằng chữ
- Phương thức thanh toán: Hình thức thanh toán, thuế VAT và tổng số tiền đã bao gồm thuế GTGT.
Thời điểm xuất hóa đơn dịch vụ lưu trú
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với khách sạn cung cấp dịch vụ như sau:
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Như vậy, nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú thu tiền đặt cọc trước hoặc trong khu cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn được tính là thời điểm hoàn thành cung cấp dịch vụ lưu trú.
Hợp đồng dịch vụ lưu trú
Hợp đồng cần nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên, các điều khoản về giá cả, thời gian lưu trú và trách nhiệm khi xảy ra vi phạm.

Các yếu tố cấu thành một cơ sở lưu trú kinh doanh hiệu quả
Chất lượng dịch vụ lưu trú là gì? Chất lượng dịch vụ lưu trú là mức độ đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chỗ ở, tiện nghi và trải nghiệm dịch vụ. Kinh doanh dịch vụ lưu trú không chỉ đơn giản là cung cấp phòng ở mà còn phải tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, tức là gia tăng chất lượng dịch vụ lưu trú. Vì thế, để xây dựng một cơ sở lưu trú kinh doanh hiệu quả, các nhà đầu tư cần chú trọng đến nhiều yếu tố như:
- Vị trí địa lý và môi trường xung quanh: Lựa chọn vị trí đẹp, gần trung tâm, giao thông thuận tiện giúp cơ sở lưu trú thu hút nhiều khách hàng hơn.
- Tiện nghi và cơ sở vật chất: Phòng ốc sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, thiết kế hiện đại, trang thiết bị vận hành tốt sẽ làm tăng trải nghiệm của khách hàng.
- Giá cả: Giá cả cần cạnh tranh và hợp lý với chất lượng dịch vụ.
- Chất lượng phục vụ và trải nghiệm khách hàng: Nhân viên thân thiện, dịch vụ nhanh chóng, giải quyết kịp thời mọi yêu cầu của khách hàng là yếu tố sống còn để giữ chân khách hàng quay lại.
Dịch vụ lưu trú là ngành kinh doanh đầy tiềm năng với lợi nhuận hấp dẫn. Để thành công, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý, chú trọng chất lượng dịch vụ và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Với vị trí đẹp, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ chuyên nghiệp, bạn hoàn toàn có thể tạo dựng cơ sở lưu trú hiệu quả, bền vững.