Xin phép xây dựng hồ bơi là bước bắt buộc để đảm bảo công trình hợp pháp và tránh rủi ro pháp lý. Dù là hồ bơi gia đình hay trong khu nghỉ dưỡng, bạn cần nắm rõ các quy định, hồ sơ cần chuẩn bị và quy trình xét duyệt. Việc thực hiện đúng thủ tục không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ thi công mà còn đảm bảo an toàn và tuân thủ pháp luật. Cùng tìm hiểu chi tiết để quá trình xin phép diễn ra thuận lợi!

Điều kiện và pháp lý xin phép xây dựng hồ bơi
Việc xin phép xây dựng hồ bơi cần tuân thủ quy định pháp luật, tùy theo loại hình bể bơi mà yêu cầu pháp lý sẽ khác nhau
Điều kiện xin phép xây dựng hồ bơi gia đình
Hồ bơi gia đình là công trình phục vụ nhu cầu cá nhân, không có mục đích kinh doanh. Theo đó để biết việc xây dựng bể bơi gia đình có phải xin cấp phép không chúng ta cần căn cứ khoản 2 điều 89 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
a) Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
b) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật này;
d) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
đ) Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
e) Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
g) Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này;
h) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
Đối chiếu theo quy định nêu trên thì nếu hộ gia đình tại thành phố khi xây dựng hồ bơi để phục vụ cho gia đình bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng. Còn trường hợp ở nông thôn nếu việc xây dựng hồ bơi đó thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì không phải xin phép.
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp phép xây dựng (theo mẫu quy định).
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Bản vẽ thiết kế công trình (phải do đơn vị có năng lực chuyên môn thực hiện, có đóng dấu).
- Cam kết đảm bảo an toàn cho công trình lân cận, không gây ô nhiễm môi trường.
- Nếu công trình có hệ thống cấp thoát nước riêng, cần có xác nhận từ cơ quan chức năng.

Điều kiện xin phép xây dựng hồ bơi kinh doanh
Bể bơi kinh doanh phục vụ mục đích thương mại, do đó yêu cầu pháp lý chặt chẽ hơn so với bể bơi gia đình. Chủ đầu tư cần xin giấy phép xây dựng và giấy phép kinh doanh bể bơi theo quy định của cơ quan quản lý địa phương.
Điều kiện cơ sở vật chất
Theo TCVN 4260:2012 về thiết kế bể bơi, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
+) Về diện tích và kết cấu
- Bể bơi có diện tích tối thiểu 6m x 18m hoặc tương đương.
- Độ dốc đáy bể phải đảm bảo an toàn, không gấp khúc.
- Đối với bể dài 25m trở lên, độ chênh lệch dốc không quá 1m.
- Thành và đáy bể phải được lát gạch chống trơn, không nứt vỡ.
- Bục xuất phát chỉ được lắp đặt đối với bể bơi có độ sâu không nhỏ hơn 1,35m.
+) Phòng thay đồ, phòng tắm
- Phải có phòng thay đồ riêng biệt cho nam và nữ. Sàn các khu vực này và xung quanh bể bơi phải phẳng, không đọng nước, không trơn trượt.
- Có khu vực tắm tráng trước khi xuống bể.
+) Hệ thống ánh sáng và âm thanh
- Cường độ ánh sáng tối thiểu 300 lux tại mọi khu vực.
- Hệ thống âm thanh đảm bảo người bơi có thể nghe rõ thông báo từ ban quản lý.
+) Tiêu chuẩn chất lượng nước
- nước bể bơi phải đạt được chỉ tiêu chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT hiệu lực từ ngày 15 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Hệ thống lọc nước phải đảm bảo duy trì độ trong và không có vi khuẩn gây hại.
- Bể bơi cần có phòng y tế và liên kết với cơ sở y tế gần nhất để xử lý tình huống khẩn cấp.
Điều kiện về an toàn và trang thiết bị
+) Trang thiết bị cứu hộ
Sào cứu hộ được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi dễ quan sát và sử dụng, có độ dài 2,5m, sơn màu đỏ - trắng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào; Phao cứu sinh được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi khi sử dụng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 phao; Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể.
+) Bục nhảy và bể nhảy cầu
- Bục xuất phát chỉ được lắp đặt đối với bể bơi có độ sâu không nhỏ hơn 1,35m.
- Chiều sâu nước phải bằng ít nhất một nửa chiều cao bục nhảy tính từ mặt nước.
+) Bồn nhúng chân
- Độ sâu từ 0,15m - 0,2m.
- Lát gạch men chống trơn và đảm bảo nước luôn trong sạch.
+) Bảng nội quy, biển báo:
Bảng nội quy, biển báo được đặt ở các hướng, vị trí khác nhau, dễ đọc, dễ quan sát; Bảng nội quy bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện, biện pháp bảo đảm an toàn, quy định đối tượng không được tham gia tập luyện và các quy định khác; Biển báo: Khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 01m trở xuống), khu vực dành cho những người biết bơi, khu vực cấm nhảy cắm đầu (có độ sâu ít hơn 1,4m).
Sau khi đáp ứng các điều kiện trên thì hộ gia đình tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của mình theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP, hồ sơ gồm:
Hồ sơ đề nghị cấp phép kinh doanh bể bơi
1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bể bơi (tự viết tay hoặc đánh máy).
2. Một bản tóm tắt tình hình chuẩn bị và đáp ứng các điều kiện để tiến hành xây dựng bể bơi (có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền).
3. Bản sao chứng thực giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Sổ đỏ hoặc giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp.
5. Bản sao có giá trị pháp lý về chứng chỉ chuyên môn (bằng cấp từ bậc trung cấp trở lên hoặc giấy chứng nhận chuyên môn do Liên đoàn thể thao dưới nước quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng hoặc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cấp) của huấn luyện viên trong trường hợp có dạy bơi tại bể bơi.
6. Bản sao có giá trị pháp lý hoặc bản photo (kèm bản chính để đối chiếu) chứng chỉ về y học thể thao của nhân viên y tế do Viện Khoa học thể dục thể thao hoặc cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành y học thể thao cấp;
7. Bản sao có giá trị pháp lý giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn cứu hộ, cứu đuối do Liên đoàn thể thao dưới nước cấp thành phố hoặc trung ương hoặc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cấp của nhân viên cứu hộ, cứu đuối;
8. Hợp đồng lao động của huấn luyện viên, cứu hộ, cứu đuối, bác sỹ hoặc nhân viên y tế làm việc tại bể bơi kèm bằng cấp chuyên môn, sơ yếu lý lịch, CMND bản sao chứng thực (không quá 6 tháng);
9. Điều kiện vật tư bể bơi (Sào cứu sinh, phao cứu sinh, phòng y tế, phòng tắm tráng, biển báo các loại, bảng nội quy, bảng giá...).
10. Bình cứu hỏa (phòng cháy chữa cháy)
Quy trình xin phép xây dựng hồ bơi
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin phép xây dựng hồ bơi
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: - Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu quy định). - Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (bản sao công chứng sổ đỏ hoặc hợp đồng thuê đất hợp pháp). - 02 bộ bản vẽ thiết kế công trình (bao gồm sơ đồ vị trí, mặt bằng, mặt cắt, móng, hệ thống cấp thoát nước, điện...). - Giấy chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (nếu công trình có yêu cầu). - Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế (đối với công trình có quy mô lớn). - Cam kết đảm bảo an toàn công trình liền kề (nếu có).
Lưu ý: Hồ sơ cần được lập và thẩm định bởi đơn vị thiết kế có chứng chỉ hành nghề hợp pháp.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Nơi nộp hồ sơ:
- UBND cấp huyện/quận (đối với hồ bơi thuộc nhà ở riêng lẻ).
- Sở Xây dựng hoặc UBND cấp tỉnh (đối với hồ bơi kinh doanh, công cộng, khách sạn, resort…).
Hình thức nộp:
- Trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.
- Qua dịch vụ công trực tuyến (nếu địa phương hỗ trợ).
Khi nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được biên nhận hồ sơ và giấy hẹn trả kết quả.
Bước 3: Cơ quan chức năng kiểm tra và thẩm định hồ sơ
- Cơ quan cấp phép kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. - Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc cần điều chỉnh, bạn sẽ nhận được yêu cầu bổ sung. - Cơ quan chuyên môn có thể xuống kiểm tra thực tế vị trí xây dựng (nếu cần).
Thời gian xử lý: 15 - 30 ngày làm việc.
Bước 4: Chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết
Sau khi kiểm tra và thẩm định:
- Nếu hồ sơ hợp lệ ➝ Cấp giấy phép xây dựng bể bơi. - Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu ➝ Trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối.
Bước 5: Nhận giấy phép xây
- Theo thời gian ghi trong giấy hẹn, bạn đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ để nhận giấy phép xây dựng hoặc nhận qua dịch vụ công (nếu nộp online).
- Sau khi nhận giấy phép, bạn cần:
Công khai giấy phép tại công trình xây dựng.
Thông báo ngày khởi công với UBND xã/phường trước khi thi công.
Thi công theo đúng nội dung giấy phép, nếu thay đổi phải xin điều chỉnh.
Chi phí làm hồ sơ xin phép xây dựng hồ bơi
Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, mức phí xin phép xây dựng có thể bao gồm:
Lệ phí cấp phép xây dựng: Thường dao động từ 50.000 – 150.000 VNĐ/hồ sơ (tùy địa phương).
Phí thẩm định thiết kế (nếu có): Đối với hồ bơi có quy mô lớn hoặc phục vụ kinh doanh, chi phí thẩm định có thể từ 5 - 10 triệu đồng trở lên, tùy theo quy mô công trình.
Nếu hồ bơi phục vụ mục đích kinh doanh, ngoài giấy phép xây dựng, chủ đầu tư còn phải xin giấy phép hoạt động thể thao theo quy định tại Nghị định 36/2019/NĐ-CP, với mức phí dao động từ 10 – 50 triệu đồng tùy vào địa phương và quy mô hồ bơi.
Lưu ý: Chi phí và quy trình có thể thay đổi theo từng địa phương, do đó chủ đầu tư nên tham khảo trực tiếp tại UBND quận/huyện nơi xây dựng hoặc đơn vị tư vấn pháp lý để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Các lưu ý quan trọng trong quá trình xin cấp phép xây dựng hồ bơi
+) Xác định đúng loại công trình hồ bơi
- Hồ bơi gia đình: Thủ tục đơn giản hơn, có thể được miễn giấy phép nếu thuộc công trình phụ trợ trong khuôn viên nhà ở.
Hồ bơi kinh doanh (resort, khách sạn, trung tâm thể thao, trường học…): Yêu cầu hồ sơ đầy đủ và tuân thủ nhiều tiêu chuẩn an toàn.
Hồ bơi công cộng: Phải có thẩm định về an toàn, vệ sinh và phòng cháy chữa cháy.
+) Kiểm tra quy hoạch và điều kiện xây dựng
- Kiểm tra tính pháp lý của khu đất: Đất phải có sổ đỏ và được phép xây dựng.
- Xem xét mật độ xây dựng: Đảm bảo diện tích hồ bơi không vi phạm mật độ xây dựng cho phép trên khu đất.
- Hồ bơi gần khu dân cư: Cần đảm bảo cách âm, không gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.
+) Chuẩn bị hồ sơ đúng quy định
- Hồ sơ xin cấp phép phải đầy đủ các bản vẽ mặt bằng, hệ thống cấp thoát nước, kết cấu hồ bơi…
- Đối với hồ bơi kinh doanh, cần bổ sung cam kết bảo vệ môi trường, phương án an toàn lao động, PCCC nếu cần.
- Tránh sai sót trong hồ sơ để không bị trả lại, kéo dài thời gian xử lý.
+) Tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn
- Độ sâu hồ bơi phải phù hợp với mục đích sử dụng (ví dụ: hồ bơi trẻ em thường không quá 0,6m).
- Bố trí hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn, tránh ảnh hưởng đến môi trường.
- Kiểm soát hệ thống điện, phòng chống rò rỉ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
+) Dự trù thời gian và chi phí xin phép
- Quy trình cấp phép có thể mất từ 15 - 30 ngày làm việc. Nếu hồ sơ bị trả lại, thời gian sẽ kéo dài hơn.
- Chi phí xin phép dao động tùy theo quy mô hồ bơi và quy định của địa phương.
+) Kiểm tra và nghiệm thu sau khi xây dựng
- Cơ quan chức năng có thể kiểm tra thực tế sau khi hồ bơi hoàn thành.
- Với hồ bơi kinh doanh, cần kiểm định chất lượng nước định kỳ để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho khách sử dụng.
Việc xin phép xây dựng hồ bơi có thể phức tạp nếu bạn không nắm rõ quy định. Đừng để thủ tục hành chính làm chậm tiến độ công trình! Hãy liên hệ ngay với GreenHN để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ trọn gói từ A-Z, giúp bạn nhanh chóng sở hữu hồ bơi trong mơ!
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG GREENHN
Hotline: 0967.212.388 – 0922.77.11.33 – 0922.99.11.33
Fanpage Xây Nhà Trọn Gói GreenHN