Chia sẻ kinh nghiệm Xây dựng, Chia Sẻ Kiến Thức, Thi Công Xây Dựng Nhà Ở

Hướng dẫn quy trình bảo dưỡng bê tông đúng cách

Phủ nilon để bảo dưỡng bê tông trong giai đoạn đầu tiên

Bảo dưỡng bê tông là công đoạn vô cùng quan trọng để có một ngôi nhà hay một công trình xây dựng hoàn hảo. Bởi ngoài cốt thép thì chất lượng bê tông là một trong những yếu tố then chốt để quyết định độ “bền vững” của ngôi nhà. Nếu để ra những sai sót trong quá trình xây dựng thì khi có vấn đề thường rất tốn công sửa chữa mà kết quả sau đó cũng chưa chắc đã đạt mong muốn. Từng khâu, từng bước trong quá trình xây nhà cần được làm chuẩn chỉ ngay từ đầu là điều tốt nhất.

Vậy tại sao cần phải bảo dưỡng bê tông và bảo dưỡng bê tông như thế nào là đúng cách, hãy cùng Green Hanoi tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Bảo dưỡng bê tông là một công đoạn rất quan trọng

Bảo dưỡng bê tông là một công đoạn rất quan trọng

Bảo dưỡng bê tông là gì?

Bảo dưỡng bê tông hiểu đơn giản là quá trình giữ ẩm thường xuyên cho bê tông sau khi đổ, cho tới một cường độ nhất định dưới sự tác động của điều kiện thời tiết địa phương và sự can thiệp của con người.

Tầm quan trọng của việc bảo dưỡng bê tông 

Các kỹ sư hay những người làm trong ngành xây dựng lâu năm đều hiểu bảo dưỡng bê tông có vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều khi bê tông được cấp phối bởi các loại vật liệu đã được chọn lọc và có chất lượng tốt (cát, đá, xi măng, nước) nhưng không được bảo dưỡng đúng cách thì cũng không đạt được phẩm chất tốt sau khi đổ xong.

Bê tông chỉ có thể đạt được phẩm chất tốt nhất khi được ninh kết trong môi trường đủ ẩm và không có sự va chạm mạnh về mặt vật lý. Do đó việc giữ ẩm cho bê tông cần được kéo dài đủ thời gian. 

Nếu quan sát bằng mắt thường, khi bê tông se mặt, nhìn bên ngoài có vẻ đông cứng nhưng thực chất bên trong  quá trình thủy hóa vẫn đang diễn ra. Khi để môi trường quá khô, nước trong bê tông bốc hơi nhanh và không còn đủ cho quá trình thủy hóa thì sẽ khiến cường độ bê tông ngừng phát triển và gây nứt nẻ.

Bên cạnh nước, nhiệt độ cũng là yếu tố quan trọng trong công tác bảo dưỡng bê tông. So với nhiệt độ thường, tốc độ thủy hóa của xi măng tăng lên đáng kể khi nhiệt độ tăng cao trên 40 độ. Do đó, trong một số trường hợp, người ta có thể bảo dưỡng bê tông bằng nước nóng với nhiệt độ từ 80-90 độ C. Khi đó bê tông đông cứng với tốc độ nhanh chóng, xi măng thủy hóa nhanh  tới mức có thể chỉ cần sau 20 giờ là đạt được cường độ của 28 ngày.

Tuy nhiên nếu bảo dưỡng bê tông theo cách dùng nước nóng thì phải hết sức cẩn thận, đảm bảo kỹ thuật và theo dõi liên tục để tránh nguy hiểm trong quá trình thi công,

Hậu quả nếu không bảo dưỡng bê tông đúng cách

Nhiều chủ thầu lơ là chủ quan hoặc không hiểu kỹ thuật mà bỏ qua bước bảo dưỡng bê tông thì sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi đổ bê tông diễn ra vào mùa hè, trời nắng gắt.

Khi quá trình ninh kết bê tông không diễn ra được vì thiếu nước thì sẽ dẫn đến xuất hiện những vết nứt, vết rỗ, hoặc bị trắng mặt. Bê tông sẽ bị giảm mác, giảm chất lượng so với thiết kế ban đầu, Điều này dẫn đến những hậu quả về sau như sàn, mái bị nứt, thấm nước gây phiền toái và tốn kém cho công tác sửa chữa, cũng như ảnh hưởng đến kết cấu và chất lượng của toàn bộ công trình.

Bề mặt bê tông bị rạn nứt vì không bảo dưỡng bê tông đúng cách

Bề mặt bê tông bị rạn nứt vì không bảo dưỡng bê tông đúng cách

Bởi vậy, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tuyệt đối không được bỏ qua công tác bảo dưỡng bê tông.

Quy trình bảo dưỡng bê tông đúng cách

Tiêu chuẩn bảo dưỡng Việt Nam

Bê tông muốn được bảo dưỡng đúng cách cần được tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo dưỡng được quy định trong kỹ thuật TCVN 8828:2011. Có thể bảo dưỡng bằng cách phủ vật liệu ẩm lên bề mặt đồng thời tưới nước giữ ẩm liên tục.

Theo TCVN 8828:2011, lãnh thổ nước ta được phân thành 3 vùng khí hậu điển hình là A, B, C với ranh giới địa lý, tên mùa và thời gian trong năm được quy định như sau:

Vùng khí hậu Vị trí địa lý Tên mùa Thời gian trong năm (tính theo tháng)
Vùng A Từ huyện Diễn Châu (Nghệ An) trở ra Mùa mưa ẩm Tháng 4-tháng 9
Mùa hanh khô Tháng 10 – tháng 3
Vùng B Phía Đông Trường Sơn (Từ Diễn Châu đến Ninh Thuận) Mùa khô Tháng 2- tháng 7
Mùa mưa Tháng 8-tháng 1
Vùng C Phần còn lại (Bao gồm Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ) Mùa khô Tháng 12 – tháng 4
Mùa mưa Tháng 5- tháng 11

Cũng theo tiêu chuẩn này, quá trình bảo dưỡng bê tông được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn bảo dưỡng ban đầu và giai đoạn bảo dưỡng tiếp theo. Hai giai đoạn này được tiến hành liên tục, kế tiếp nhau không có gián đoạn; kể từ khi hoàn thiện bề mặt bê tông cho tới khi bê tông đặt được cường độ bảo dưỡng tới hạn.

Giai đoạn bảo dưỡng ban đầu

  • Bê tông sau khi làm mặt xong cần tiến hành phủ ngay bề mặt hở bằng các vật liệu đã làm ẩm (như lớp cát mạt cưa, rơm rạ, bèo tây…). Lúc này không tác động lực cơ học và không tưới nước trực tiếp lên bề mặt để tránh làm hư hại bề mặt bê tông. Khi cần tưới nước lên mặt vật liệu phủ ẩm.
  • Cũng có thể phủ lên bề mặt bê tông các vật liệu cách nước như nilon, vải bạt hoặc phun chất tạo màng để ngăn nước bốc hơi. Khi dùng chất tạo màng thì việc phun phải được tiến hành theo chỉ dẫn của nhà sản xuất tạo màng. Hoặc phun sương để phun nước thành sương lên bề mặt bê tông mà không cần phủ mặt.
    Phủ nilon để bảo dưỡng bê tông trong giai đoạn đầu tiên

    Phủ nilon để bảo dưỡng bê tông trong giai đoạn đầu tiên

  • Việc phủ mặt bê tông trong giai đoạn bảo dưỡng bê tông ban đầu là bắt buộc khi thi công trong điều kiện mất nước nhanh, như thời tiết quá hanh khô hoặc trời nắng gắt…để đảm bảo hạn chế mất nước, tránh nứt bề mặt bê tông.
  • Việc giữ ẩm bê tông trong giai đoạn bảo dưỡng ban đầu kéo dài cho tới khi bê tông đạt được giá trị một cường độ nén nhất định, để có thể tưới nước trực tiếp lên bề mặt bê tông mà không gây hư hại.
  • Thời gian để đạt cường độ này vào mùa mưa ẩm ở vùng A và các mùa ở vùng B, C là khoảng 2,5-5 giờ đồng hồ, vào mùa hanh khô ở vùng A là từ 5-8 giờ tùy vào tính chất của bê tông và đặc điểm thời tiết.

Giai đoạn bảo dưỡng tiếp theo

  • Được xác định khi tưới nước thử lên bề mặt bê tông mà không gây hư hại thì có thể tiến hành giai đoạn bảo dưỡng tiếp theo.
  • Đây là giai đoạn cần tưới nước giữ ẩm liên tục mọi bề mặt hở của bê tông cho tới khi ngừng quá trình bảo dưỡng.
  • Thời gian bảo dưỡng bê tông được quyết định theo từng hạng mục như sàn, dầm, cột… và cường độ phát triển của khối bê tông. Thông thường khi đổ bê tông được khoảng 3 ngày là sẽ thấy chúng phát triển mạnh nhất, đạt khoảng 40% cường độ. Sau 7 ngày thì đạt 60% và đạt 100% sau 28 ngày. Hai mốc cần quan tâm đặc biệt là 3 ngày đầu và 7 ngày tiếp theo.
  • Trong 7 ngày đầu, tiến hành tưới nước 3 giờ 1 lần, ban đêm tối thiểu 1 lần. Các ngày tiếp theo thì mỗi ngày cần tưới đủ 3 lần. Từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 18, mỗi ngày tưới nước 3 lần. Việc bảo dưỡng phải được duy trì đầy đặn trong vòng 1 tuần đầu.
  • Lưu ý trong 2 ngày đầu tiên sau khi đổ bê tông, nếu gặp trời mưa lớn phải tiến hành che chắn tránh nước mưa rơi xuống làm rỗ bề mặt bê tông.

Một số lưu ý khi bảo dưỡng bê tông

  • Giữ nguyên cốp pha tại chỗ: Cốp pha có tác dụng rất tốt trong việc duy trì độ ẩm và lượng nước cho bê tông ninh kết. Có thể phun nước trực tiếp vào cốp pha để tăng cường độ ẩm.
    Giữ nguyên cốp pha là một cách bảo dưỡng bê tông đơn giản

    Giữ nguyên cốp pha là một cách bảo dưỡng bê tông đơn giản

  • Chỉ được tháo dỡ cốp pha khi cấu kiện bê tông đã đạt đủ sức bền vật liệu để ổn định kết cấu. Thông thường sau khi đổ bê tông trong điều kiện bình thường (20-30 độ C), thì có thể tháo dỡ cốp pha sau 4 tuần. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì càng để lâu càng tốt. Đã có những trường hợp vì tháo dỡ cốp pha quá sớm mà khiến cấu kiện bị sụp đổ, gây tai nạn nghiêm trọng. Nếu bắt buộc phải tháo cốp pha sớm thì nên tiếp tục chống đỡ dầm, sàn và dầm cái bằng các thanh chống gỗ hoặc kim loại.
  • Khi phun nước giữ ẩm cho bê tông, lưu ý phải phun đều, phun nước tia nhỏ liên tục theo chu kỳ không đổi. Cần phải chú ý rằng phun nước tia nhỏ cung cấp độ ẩm thường xuyên thì tốt hơn là phun ào ào nhưng có thời gian khô cách quãng giữa hai đợt phun.
  • Nhằm tránh tình trạng xói mòn hoặc phân lớp vật liệu, nên dùng vòi phun hạt mịn để phun nước.
  • Nước dùng để tưới ẩm bề mặt bê tông cần phải thỏa mãn yêu cầu của TCVN 4506:1987. Cũng có thể dùng nước sông, nước hồ ao không có tạp chất gây hư hại cho bê tông để bảo dưỡng bê tông.
  • Đối với bê tông dàn mái có mặt phẳng tương đối thuận lợi, thì giải pháp tối ưu là có thể xây gạch be bờ để ngâm nước. Đối với bê tông móng cũng có thể ngâm nước khi trời nắng gắt để đạt được chất lượng tốt nhất.
Bê tông sàn mái có thể ngâm nước để bảo dưỡng

Bê tông sàn mái có thể ngâm nước để bảo dưỡng

Trên đây, Green Hanoi đã chia sẻ với bạn đọc tầm quan trọng của việc bảo dưỡng bê tông và quy trình bảo dưỡng bê tông đúng cách. Hi vọng bạn đọc có thể ứng dụng để bảo dưỡng bê tông giúp cho công trình nhà mình bền vững và có chất lượng tốt nhất!

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *