Trong quá trình thi công sơn nhà, sơn lót là bước tối quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách pha sơn lót tường đúng quy chuẩn. Theo dõi ngay bài viết dưới đây của chúng tôi để nắm được cách pha sơn lót tường đơn giản, đồng thời bạn cũng sẽ lý giải được vì sao cùng thời điểm xây dựng nhưng có công trình lớp sơn xuống cấp rất nhanh còn có công trình lại có độ bền rất cao. Tìm hiểu ngay cùng Hà Nội Xanh nhé!
Cách pha sơn lót tường đạt chuẩn như thế nào?
Sơn lót là gì?
Sơn lót hay còn gọi là sơn lót kháng kiềm là lớp sơn có công thức riêng biệt, được phủ trực tiếp lên bề mặt cần sơn; là lớp sơn trung gian giữa bề mặt vật chủ và lớp sơn phủ.
Nhiều gia chủ chưa nắm được hết tác dụng của lớp sơn lót nên cho rằng sơn lót không quan trọng, có hay không có cũng được nhưng trên thực tế khi quan sát bề mặt sơn có lớp lót và không có lớp lót sẽ thấy sự khác biệt hoàn toàn. Biết cách pha sơn lót tường và thi công đúng chuẩn, lớp sơn hoàn thiện sẽ mịn, đều, đẹp và bền màu hơn rất nhiều.
Sơn lót tường có hai loại bao gồm sơn lót nội thất và sơn lót ngoại thất.
Tác dụng của sơn lót tường?
Lớp sơn lót có tác dụng đúng như cái tên của nó, đóng vai trò như “lớp áo lót” cho bức tường. Nắm được cách pha sơn lót tường đúng cách, sơn lót sẽ mang đến những vai trò to lớn như sau:
Thứ nhất, tạo độ bám dính hoàn hảo.
Vì đóng vai trò là lớp trung gian, sơn lót giúp lớp sơn phủ và bề mặt thi công bám dính chặt vào nhau hơn. Mặc dù độ che phủ của sơn lót không quá cao, song có thể lấp đầy những vết nứt, vết răng cưa nhỏ, tạo độ mịn bề mặt khá ổn định và hoàn hảo. Nhờ đó, lớp sơn phủ sẽ bóng mịn, đều, màu lên chuẩn và đẹp hơn.
Thứ hai, tăng độ bền cho lớp sơn phủ nhờ tính kháng kiềm cực mạnh.
Tính kiềm hay còn gọi là tính bazơ thường có trong vôi và xi măng. Khi bề mặt tường càng ẩm thì độ kiềm càng tăng cao. Nếu sơn trực tiếp sơn phủ lên bề mặt tường, đặc biệt các loại sơn có dung môi là nước thì nước sẽ thấm vào tường làm tường ẩm, gây tăng tính kiềm. Tính kiềm sẽ phá vỡ cấu trúc lớp sơn phủ, gây ra các phản ứng hóa học khiến lớp sơn phủ loang lổ, bong tróc, gỉ sét, mất thẩm mỹ. Lớp sơn lót sẽ hạn chế tối đa được những vấn đề này.
Lớp sơn phủ bị phồng rộp do không có lớp sơn lót bảo vệ
Thứ ba, sơn lót cũng có tính kháng khuẩn và kháng nấm mốc rất tốt.
Tương tự như tính kiềm, nấm mốc ưa thích và phát triển mạnh trong môi trường ẩm. Khí hậu nước ta thường xuyên nồm ẩm, mưa nhiều cũng khiến tường bị thấm nước gây độ ẩm cao. Nấm mốc vừa gây mất thẩm mỹ vừa có hại cho sức khỏe người trong nhà,nên sử dụng sơn lót là rất cần thiết.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ cần biết cách pha sơn lót tường hợp lý sẽ tạo thành một liên kết dẻo dai với sơn phủ, giúp lớp sơn hoàn thiện hoàn hảo hơn và bền hơn trước các tác nhân thời tiết tiêu cực.
Cũng có người hiểu lầm sơn phủ trắng là sơn lót tường. Thực chất sơn phủ trắng không thể thay thế được cho sơn lót bởi do cấu trúc và thành phần khác nhau nên sơn phủ trắng không có đặc tính kháng kiềm, chống ẩm và tạo độ bám dính cao như sơn lót.
Cách pha sơn lót tường đạt chuẩn cực đơn giản
Sơn lót nguyên bản rất đặc, nếu sử dụng sẽ khó thi công và lớp màng không được mịn, đẹp. Do đó cần nắm rõ cách pha sơn lót tường đạt chuẩn để gia tăng được độ che phủ tối đa của sơn lót, đồng thời cũng khiến sơn dễ dàng sử dụng hơn, đặc biệt là ở những bề mặt gồ ghề hay góc cạnh.
Cách pha sơn lót tường tương đối đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Pha sơn lót tường cũng tương tự pha sơn nước, bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị lượng sơn lót theo khối lượng dự kiến cần sơn
Bước 2: Chuẩn bị một lượng nước sạch bằng 5-10% thể tích lượng sơn lót trên. Ví dụ một thùng sơn 18l có thể dùng từ 0,9-1,8l nước; một lon sơn 5l có thể dùng 250-500ml nước để pha.
Bước 3: Hòa trộn hỗn hợp và khuấy đều cho đến khi các chất đồng nhất. Sau đó có thể tiến hành sơn lên tường.
Cách pha sơn lót tường trên đây áp dụng cả cho sơn lót nội thất và sơn lót ngoại thất.
Lưu ý:
-Không nên pha sơn màu vào sơn lót. Cách pha sơn lót tường này cũng được một số thợ áp dụng, tuy nhiên chỉ cần vô ý không làm đúng kỹ thuật, lớp sơn lót có thể gây phản tác dụng khiến lớp sơn màu không được đẹp như ý muốn.
– Không nên dùng tay không mà nên dùng thiết bị cầm tay hoặc máy khuấy để pha sơn. Mặc dù cách pha sơn lót tường khá đơn giản nhưng các gia chủ chưa có kinh nghiệm không nên tự pha, mà vẫn nên để các bác thợ lành nghề pha sơn để đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
– Không pha sơn lót quá đặc hoặc quá loãng. Nếu sơn lót quá đặc sẽ dẫn đến khó thi công, gia tăng chi phí còn sơn quá loãng sẽ không đảm bảo độ che phủ, đồng thời thời gian bảo quản cũng ngắn hơn.
– Sơn lót sau khi được pha nên được sử dụng luôn vì sơn không đủ điều kiện bảo quản lâu như sơn nguyên bản. Do đó nên tính toán lượng sơn sao cho đủ dùng.
Thi công sơn lót tường và một số lưu ý
Thi công sơn lót tường
Bước 1: Cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt tường được sơn.
– Đối với tường mới xây, cần kiểm tra khi bề mặt tường đảm bảo đủ độ khô cần thiết thì mới tiến hành thi công sơn. Độ ẩm tường không nên vượt quá 15%. Nếu thời tiết thuận lợi khô ráo, thông thường các bước lăn sơn được tiến hành sau khi trát tường khoảng 3-4 tuần. Thời gian chờ tường khô có thể kéo dài lâu hơn nếu trời mưa nồm hay độ ẩm cao.
Vệ sinh bề mặt tường bằng giấy ráp mịn để loại bỏ hoàn toàn cát thừa, bụi bẩn, rong rêu hay bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến độ bám dính của sơn.
– Đối với tường cũ:
Tường cũ chưa qua thi công sơn trước đó: có thể chứa vữa, xi măng, nấm, mốc, dầu mỡ, đất cát…với bề mặt kém bằng phẳng nên việc vệ sinh cần yêu cầu kĩ lưỡng hơn. Có thể dùng vòi nước áp lực cao, giấy ráp, đá mài, dung môi hoặc một số chất tẩy rửa nhẹ để làm sạch bề mặt tường. Sau khi loại bỏ hoàn toàn vết bẩn, luôn phải chờ tường khô rồi mới thi công sơn.
Tường cũ đã thi công sơn: Nếu tường đã được sơn và chỉ hỏng lớp sơn phủ bên ngoài, lớp sơn lót bên trong vẫn còn tốt thì bạn không cần phải thi công lại lớp sơn lót.
Vệ sinh tường là bước vô cùng quan trọng trước khi thi công sơn
Bước 2: Tiến hành thi công sơn lót
(Nếu có sử dụng bột bả thì tiến hành trước bước này)
Tùy vào bề mặt tường, có thể dùng cọ lăn, cọ sơn hoặc máy phun để lăn, phun sơn lên bề mặt tường. Cọ lăn phù hợp với những bức tường có diện tích rộng, ít chi tiết, dễ dàng thi công nhanh chóng mà không để lại vết hằn còn cọ sơn thích hợp với các góc cạnh gồ ghề, nhiều hoa văn, diện tích nhỏ hẹp.
Quy trình thi công sơn lót chuẩn là nên sơn từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, từ khu vực khó đến khu vực dễ thi công hơn. Khi lăn hay phun sơn, kiểm soát lực đều tay để lớp sơn lót đảm bảo được độ dày, mịn tốt nhất. Vì lớp sơn lót có vai trò rất quan trọng nên nếu sơn không đều cũng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và tuổi thọ của toàn bộ công trình.
Một số lưu ý khi thi công sơn lót:
-Thông thường, cần có tối thiểu một lớp sơn lót. Tuy nhiên, gia chủ có thể sơn 2 lớp lót để mang đến hiệu quả cao hơn. Nếu sơn hai lớp, các lớp sơn nên cách nhau thời gian tối thiểu 2-3 tiếng tùy điều kiện thời tiết. Điều này cũng tương tự đối với lớp sơn phủ. Có thể dùng máy sưởi hoặc quạt để hong khô nếu thời tiết không ủng hộ.
– Luôn đảm bảo độ thông thoáng trong quá trình thi công sơn.
– Luôn sử dụng đồ bảo hộ (khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ) khi thi công sơn.
Hiểu được cách pha sơn lót đạt chuẩn sẽ đảm bảo thẩm mỹ và tuổi thọ công trình
Như vậy, chúng tôi đã chia sẻ với bạn đọc cách pha sơn lót tường đạt chuẩn mà bạn có thể dễ dàng áp dụng cho mọi loại sơn lót. Sơn lót không phải là bước bắt buộc phải có, tuy nhiên nó là yếu tố cần và đủ để đảm bảo lớp sơn hoàn thiện có tính thẩm mỹ cao nhất và độ bền lâu nhất. Theo như ghi nhận của chúng tôi, các công trình có sử dụng sơn lót đúng quy chuẩn ít gặp tình trạng bong tróc, loang màu và xuống cấp nhanh như các công trình không sử dụng.
Ngoài việc nắm được cách pha sơn lót tường đúng kỹ thuật, gia chủ cũng nên hiểu rõ quy trình thi công đồng thời chọn loại sơn lót phù hợp để công trình nhà mình có tuổi thọ cao nhất. Hi vọng sau khi đọc bài viết, bạn đọc sẽ có sự đầu tư thích hợp cho sơn lót để có thể mang lại lợi ích về lâu dài cho công trình.